Mỹ bỏ đàm phán, Taliban tìm đến đối thoại với Trung Quốc

Hãng thông tấn Al Jazeera ngày 23-9 đưa tin, đoàn đại diện phong trào Taliban đã gặp các quan chức Trung Quốc trong một nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Afghanistan.

Cuộc gặp diễn ra vào ngày 22-9, hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi các vòng đàm phán với phong trào Taliban, lực lượng đang chiếm quyền kiểm soát một phần rộng lớn lãnh thổ Afghanistan. 

Ông Mullah Baradar (trái), dẫn đầu đoàn đại diện Taliban tới thăm Bắc Kinh. Ảnh: AP

Các vòng đàm phán với Mỹ bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái diễn ra tại thủ đô Doha, Qatar nhằm chấm dứt xung đột dai dẳng suốt 18 năm qua.

Ngày 23-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết phái đoàn Taliban và các quan chức quân đội Trung Quốc đã trao đổi quan điểm về "quá trình tiến tới hòa bình ở Afghanistan", tuy nhiên, không đưa thêm thông tin chi tiết nào.

Người phát ngôn của lực lượng Taliban tại Qatar Suhail Shaheen cho biết, một phái đoàn Taliban gồm chín người, đứng đầu là Mullah Baradar, một trong những thành viên sáng lập phong trào, đã đến Bắc Kinh và gặp gỡ đại diện đặc biệt của Trung Quốc tại Afghanistan.

"Đại diện đặc biệt của Trung Quốc cho rằng thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ là một khuôn khổ có lợi cho giải pháp hòa bình cho vấn đề Afghanistan và Trung Quốc ủng hộ thỏa thuận này." Shaheen viết trên mạng xã hội Twitter.

Trước đó, hôm 12-9, nhóm đại diện Taliban cũng đã có cuộc gặp với các quan chức Nga tại Moscow.

Đầu tháng 9 năm nay, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad cho biết, sau chín vòng đàm phán ở Doha, Mỹ và lực lượng Taliban đã đi thống nhất "về nguyên tắc" một thỏa thuận.

Nhưng ngay ngày 8-9, Tổng thống Trump thông báo hủy bỏ cuộc gặp bí mật với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và các lãnh đạo Taliban ở Trại David, sau một vụ đánh bom xe ở thủ đô Kabul.

Taliban cho rằng động thái của Tổng thống Trump thực sự làm họ ngạc nhiên vì các vòng đàm phán đều đã "thành công" và một thỏa thuận có thể được đưa ra trong tương lai gần.

"Hôm nay, nếu Tổng thống Mỹ không thể giữ lời hứa và phá bỏ cam kết thì ông ta phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hoạt động bạo loạn và đổ máu ở Afghanistan", Shaheen dẫn lời vị lãnh đạo Mullah Baradar nói.

Afghanistan đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tư kể từ khi lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu lật đổ quyền lực của Taliban hồi năm 2001.

Cuộc bầu cử vào ngày 28-9 tới có vai trò quan trọng hơn khi mà các cuộc đàm phán hòa bình, có thể tới tiến xây dựng một chính quyền quá độ, bị sụp đổ và làm cho viễn cảnh hòa bình càng xa vời.

Vào tháng 6, khi tiến trình đàm phán với Mỹ vẫn đang tiếp diễn, Taliban cũng đã gửi một đoàn đại diện sang gặp gỡ các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Afghanistan có chung đường biên giới với Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương, nơi luôn là điểm nóng an ninh nội địa của Bắc Kinh với lo ngại về việc các tổ chức vũ trang "Hồi giáo cực đoan" của người Duy Ngô Nhĩ có thể có liên hệ với Taliban.

Trung Quốc là một đồng minh quan trọng của Islamabad, đã nhiều lần nỗ lực hỗ trợ sự hợp tác hai láng giềng là Pakistan và Afghanistan khi mà hai quốc gia này vẫn còn nhiều xung đột. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới