Mỹ cảnh báo ‘đáp trả tương ứng’ nếu Trung Quốc hiện diện quân sự ở Solomon

(PLO)-  Mỹ cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở đó sau khi Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Bắc Kinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phái đoàn Mỹ đã đến thăm Quần đảo Solomon hôm 22-4 và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở đó sau khi quốc gia Thái Bình Dương ký hiệp ước quốc phòng với Bắc Kinh, theo hãng tin AFP.

Mỹ và Úc - các đồng minh truyền thống của quốc gia Thái Bình Dương - bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận quốc phòng này, vì lo ngại rằng nó có thể tạo cho Trung Quốc một chỗ đứng quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Nhà Trắng cho biết các quan chức đã nói với Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare rằng hiệp ước này có "tác động tiềm tàng về an ninh khu vực" đối với Washington và các đồng minh.

Phía Mỹ cũng cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh duy trì bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở đó, Washington sẽ có động thái "đáp trả tương ứng".

Ông Kurt Campbell - Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đến đảo quốc Solomon. Ảnh: AP

Ông Kurt Campbell - Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đến đảo quốc Solomon. Ảnh: AP

“Phái đoàn lưu ý rằng nếu có các bước được triển khai nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực, khả năng phô diễn sức mạnh hoặc bố trí quân sự trên thực tế, thì Mỹ sẽ bày tỏ những quan ngại nghiêm túc và đáp trả tương ứng" - trích tuyên bố từ Nhà Trắng.

Nhà Trắng cũng cho biết họ sẽ xúc tiến việc mở đại sứ quán Mỹ tại Honiara, thủ đô của quốc đảo, và hai nước đã nhất trí khởi động đối thoại chiến lược và chương trình nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như thúc đẩy một loạt các sáng kiến ​​khác.

Theo tờ South China Morning Post, một bản dự thảo của hiệp ước bị rò rỉ vào tháng 3 cho thấy đảo quốc này sẽ cho phép hải quân Trung Quốc quá cảnh và để Bắc Kinh triển khai lực lượng quân sự ở đó.

Theo Nhà Trắng, các quan chức Solomon nhấn mạnh rằng hiệp ước với Trung Quốc “chỉ áp dụng trong nước”. Ông Sogavare cố gắng đảm bảo với phái đoàn rằng "sẽ không có căn cứ quân sự, không có sự hiện diện lâu dài và không có khả năng phô diễn sức mạnh" do điều khoản của thỏa thuận.

Mặc dù vậy, theo SCMP, hiệp ước an ninh được coi là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc ở Thái Bình Dương - nơi quần đảo Solomon chiếm một vị trí chiến lược - và cũng gây khó khăn cho các cường quốc Thái Bình Dương khác, bao gồm Nhật, New Zealand và đặc biệt là Úc.

Phái đoàn do ông Kurt Campbell - Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - dẫn đầu, ngoài ra còn có sự tham gia của ông Daniel Kritenbrink - Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và các đại biểu từ Bộ Tư lệnh ADD-TBD và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm