Mỹ cho biết hôm 27-5 rằng nước này sẽ chấm dứt miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia còn trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo hãng tin France24, hành động này của Mỹ có thể khiến thỏa thuận hạt nhân Iran đi tới sự sụp đổ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết quyết định này là phản ứng của Mỹ với những hành động mà Iran đã thực hiện nhằm ép Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
"Những hành vi ngày càng leo thang của Iran là không thể chấp nhận được và tôi không thể đồng ý chấm dứt các biện pháp miễn trừ cho họ" - ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran - ông Ali Akbar Salehi, đến thăm lò phản ứng nước hạt nhân Arak vào tháng 12-2019. Ảnh: AFP
Cụ thể, Mỹ sẽ loại bỏ các biện pháp miễn trừ đối với việc hiệu chỉnh các lò phản ứng hạt nhân Arak ở Iran, ngăn Iran sử dụng plutonium cho mục đích quân sự, cũng như xử lý và xuất khẩu nguồn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và được đưa vào phế liệu.
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Mỹ đã cho các công ty có liên quan đến lò hạt nhân Arak thời hạn 60 ngày để có thể tiến hành hoàn thành và kết thúc các hoạt động của họ.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào tháng 7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức), có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Việc đạt được thỏa thuận là chiến thắng lớn về chính sách đối với chính quyền thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
Thỏa thuận chấm dứt 12 năm bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran. JCPOA về cơ bản buộc Iran phải minh bạch và giảm việc làm giàu uranium - công đoạn quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Tehran có thể được dỡ bỏ cấm vận.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi năm 2016, ông đã lên án đây là một "thoả thuận tồi tệ nhất" và đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018.