Vụ việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 tuần trước vẫn đang thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế với hàng loạt diễn biến nóng tiếp sau đó, gây lo ngại đến sự ổn định của bán đảo Triều Tiên.
Mỹ, đồng minh phản ứng quyết liệt
Ngày 20-11 (giờ địa phương), các nước thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Pháp, Ý, Canada) ra tuyên bố chung lên án việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định khu vực, bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi giữ hòa bình chung, theo hãng tin Reuters. Tuyên bố chung cho rằng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm 2022 đang cản trở nỗ lực phi phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, mang lại nguy hiểm và rủi ro đối với các hoạt động hàng không dân dụng quốc tế và hàng hải trong khu vực.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) kiểm tra tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 ngày 18-11. Ảnh: KCTV |
“Chúng tôi một lần nữa đề nghị Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, chương trình hạt nhân hiện có và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cùng chương trình tên lửa đạn đạo một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” - tuyên bố chung của G7 nhấn mạnh, đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh.
Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố riêng cho rằng việc Triều Tiên phóng ICBM là “hành động bất hợp pháp thiếu suy nghĩ”, vô cùng rủi ro và vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt ngay hành động gây căng thẳng này. EU kêu gọi Bình Nhưỡng phải hủy bỏ toàn bộ chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
HĐBA LHQ có phiên họp khẩn ngày 21-11 về vụ việc. Trước đó, ngày 19-11, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ra tuyên bố lên án mạnh việc Triều Tiên phóng ICBM, kêu gọi nước này “ngay lập tức ngừng thực hiện mọi hành động khiêu khích”.
Hàn Quốc tranh thủ Trung Quốc, Nga
Tuy không phải là thành viên thường trực của HĐBA LHQ nhưng Hàn Quốc được mời tham dự cuộc họp khẩn của cơ quan này, do là quốc gia liên quan trực tiếp vấn đề tên lửa của Triều Tiên. Hàn Quốc đã có động thái tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga với các động thái từ Triều Tiên. Kênh KBS dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đại diện đặc biệt của Seoul về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Kim Gunn đã điện đàm với Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc - ông Hình Hải Minh và Đại sứ Nga tại Hàn Quốc - ông Andrey Kulik.
Ông Kim trong hai phiên điện đàm đã lên án việc Triều Tiên phóng ICBM vi phạm rõ ràng các nghị quyết của HĐBA LHQ và là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á và thế giới. Ông Kim kỳ vọng Trung Quốc và Nga - hai thành viên thường trực của HĐBA LHQ - có thể tích cực hợp tác và mở đường cho cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các đại sứ Trung Quốc và Nga về cơ bản nhất trí tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, tái khẳng định lập trường sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Triều Tiên từng tuyên bố đã lần đầu phóng thành công Hwasong-17 vào ngày 24-3 năm nay nhưng tình báo Hàn Quốc và Mỹ nghi ngờ điều này và sau đó kết luận thật ra thời điểm đó tên lửa mà Triều Tiên phóng là Hwasong-15.
Phía Triều Tiên nói gì?
Trong tuyên bố ngày 20-11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui chỉ chọn đáp trả tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Bà cho rằng tuyên bố của người đứng đầu LHQ cho thấy ông “không hiểu mục đích, nguyên tắc của Hiến chương LHQ và sứ mệnh đúng đắn của nó là duy trì sự vô tư, khách quan và công bằng trong mọi vấn đề”, đồng thời cáo buộc ông Guterres “bị Mỹ kiểm soát”.
“Chúng tôi mong muốn Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres xem xét vấn đề bán đảo Triều Tiên trên cơ sở công bằng và khách quan. Triều Tiên có quyền tự vệ trong môi trường an ninh đáng lo ngại ở bán đảo Triều Tiên và khu vực do sự hợp tác quân sự nguy hiểm của Mỹ và các lực lượng đồng minh gây ra” - bà Choe nhấn mạnh.
Trong bài xã luận đăng tải cùng ngày, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không dừng chương trình tên lửa đạn đạo. Theo đó, Triều Tiên đã phát triển ICBM “mạnh nhất thế giới” và sẽ tiếp tục tăng cường vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ rút lại “các chính sách thù địch” đối với mình.
Bài xã luận cũng nhấn mạnh việc Triều Tiên sở hữu ICBM mạnh nhất thế giới cho thấy “quyền tấn công hạt nhân phủ đầu không chỉ dành riêng cho Mỹ và là bằng chứng rõ ràng với thế giới rằng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân không thể phủ nhận”, đủ sức mạnh để đối đầu với sự bá quyền hạt nhân của Mỹ.•
Sức mạnh ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên ra sao?
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 là “vũ khí chiến lược mạnh nhất trên thế giới”, đã bay gần 1.000 km trong khoảng 69 phút và đạt độ cao tối đa 6.041 km trong vụ thử vào tuần trước.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Yasukazu Hamada nói rằng loại vũ khí này có thể bay xa tới 15.000 km, đủ để vươn tới lục địa nước Mỹ. Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc phân tích tên lửa trong vụ phóng bay xa khoảng 1.000 km, đạt độ cao khoảng 6.100 km, tốc độ Mach 22. Thông số cho thấy tên lửa này có khả năng bay tới lãnh thổ nước Mỹ.
Trả lời đài CNN, GS Yang Moo-jin thuộc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) cho rằng vụ phóng thử là bằng chứng cho thấy Hwasong-17 đã được cải thiện về mặt công nghệ. Ngoài ra, về mặt chiến lược quân sự, Triều Tiên cho thấy họ sẽ có hành động thực tế thay vì những lời nói suông.