Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Mỹ đã phê duyệt hợp đồng trị giá 125 triệu USD để cung cấp những chiếc tiêm kích F-16 cho Pakistan. Cùng lúc, Mỹ cũng thông báo phê duyệt hợp đồng cung cấp máy bay vận tải C-17 cho Ấn Độ trị giá 670 triệu USD, theo hãng tin RT.
Quốc hội Mỹ thông báo hợp đồng với Pakistan sẽ cho phép Lầu Năm Góc giám sát chặt chẽ 24/7 việc Pakistan sử dụng tiêm kích F-16. Động thái này được coi là sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong một thông báo riêng biệt, Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc nói rằng Ấn Độ đã yêu cầu mua phụ tùng và thiết bị thử nghiệm cho các máy bay vận tải Boeing C-17 của họ, và đang yêu cầu được đào tạo nhân sự cùng các chương trình hỗ trợ khác, với tổng giá trị ước tính là 670 triệu USD.
"Ấn Độ cần sự hỗ trợ bổ sung để duy trì khả năng sẵn sàng hoạt động, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR) trong khu vực", DSCA cho biết.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý kế hoạch này của Lầu Năm Góc không đem lại bất kỳ thay đổi nào trong quyết định hồi tháng 1-2018 của Tổng thống Donald Trump đóng băng hỗ trợ an ninh cho Pakistan.
DSCA giải thích các hợp đồng vũ khí ký với Pakistan và Ấn Độ sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực.
Tiêm kích F-16 của Pakistan (trái) và một máy bay vận tải C-17 và hai tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: AFP
Việc phê duyệt các hợp đồng vũ khí này diễn ra sau khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan đến thăm Mỹ và một tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thực hiện chuyến thăm cấp cao tới Ấn Độ.
Kế hoạch giám sát việc sử dụng F-16 của Lầu Năm Góc đưa ra sau khi Ấn Độ cáo buộc Pakistan sử dụng F-16 sai mục đích. F-16 được cung cấp cho Pakistan để sử dụng cho mục đích chống khủng bố, nhưng theo cáo buộc của Ấn Độ, Pakistan đã sử dụng một chiếc F-16 trong vụ đụng độ trên không giữa hai nước hồi tháng 2-2019.
Islamabad đã phủ nhận cáo buộc, nói rằng nước này sử dụng máy bay chiến đấu khác trong trận không chiến đó. Mỹ đã mở cuộc điều tra theo yêu cầu của Ấn Độ nhưng không thể chứng minh Pakistan sử dụng F-16 trong vụ việc.