Theo đó, Nga, Trung Quốc và các cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức sẽ tiếp tục được hợp tác hạt nhân dân sự với Iran, sau khi việc miễn trừ trừng phạt hết hạn.
Tham dự cuộc họp với Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã biện luận về việc nên gia hạn miễn trừ trừng phạt trước sự phản đối của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.
Theo ông Mnuchin, nếu không miễn trừ các lệnh trừng phạt, sắp hết hạn từ ngày 1-8, thì Mỹ sẽ phải xử phạt các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu có liên quan đến các dự án tại Iran trong thỏa thuận hạt nhân, tờ The Washington Post cho biết.
Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu.
Đồng thời, một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết mục tiêu để chấm dứt miễn trừ vẫn còn thời hạn, theo The Washington Post.
“Những miễn trừ này có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào bởi vì lệnh trừng phạt đối với Iran. Nhưng vì những lo ngại chính đáng của Bộ Tài chính, chúng tôi đã quyết định gia hạn miễn trừ trừng phạt ngay bây giờ”, quan chức này nói.
Mỹ tiếp tục gia hạn miễn trừ với các cường quốc có liên đến chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào tháng 5-2019, Ngoại trưởng Pompeo đã gia hạn miễn trừ áp lệnh trừng phạt với năm quốc gia trong thời hạn 90 ngày, theo Reuters.
Việc miễn trừ sẽ cho phép các quốc gia còn lại của nhóm P5+1 tiếp tục các hoạt động tại nhà máy hạt nhân Iran Bush Bushehr, cơ sở làm giàu urianium Fordow, tổ hợp hạt nhân Arak và Lò phản ứng nghiên cứu Tehran.
Nỗi lo về một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran ngày càng tăng lên kể từ sau các vụ bắn hạ máy bay của cả hai bên tại Vùng Vịnh trong thời gian qua. Tháng 5-2019, Tổng thống Trump đã siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran trong nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu dầu mỏ của nước này.