Mỹ giáng thêm trừng phạt liên quan đến Triều Tiên

Hôm 19-6, Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, nhưng trong ngày lại áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia này.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun sáng 19-6 đã có bài phát biểu công khai, trong đó nhấn mạnh rằng Mỹ đang "mở rộng cửa" cho các cuộc đàm phán và không có điều kiện tiên quyết.

Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Bắc Triều Tiên Stephen Biegun phát biểu trong một sự kiện Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington vào ngày 19-6. Ảnh: YONHAP


"Chúng tôi chờ đón và hy vọng rằng trong một tương lai không xa, chúng tôi nối lại tiến trình này theo một cách thực chất", ông Biegun nói trong một sự kiện tại Hội đồng Đại Tây Dương, đề cập cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ Triều hồi tháng 2 sau khi họ kết thúc thượng đỉnh nhưng không đưa ra được tuyên bố chung nào.

Đến chiều cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, lần này nhắm vào một công ty tài chính Nga mà họ cáo buộc cung cấp dịch vụ cho Bình Nhưỡng để hỗ trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Hành động kép được đưa ra trong bối cảnh Mỹ hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, như những gì mà ông Trump mô tả là một bức thư "nồng ấm và tử tế" từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuần trước.

Sự việc này cũng trùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên, mà chắc chắn Mỹ sẽ không bỏ lơ bất cứ chi tiết nào, khi cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang hồi căng thẳng.

Được biết, quan điểm trước đây của Mỹ đối với Triều Tiên là duy trì song song giữa đối thoại và trừng phạt, nhưng hiếm khi cả hai động thái trên được đưa ra cùng ngày.

"Chúng tôi muốn rất cẩn thận trong các thông điệp mà chúng tôi gửi đến Triều Tiên. Và nếu bạn nghi ngờ rằng chúng tôi đang đặt điều kiện, nhưng thực tế là không", ông Biegun nói trước khi lệnh trừng phạt được công bố. 

Tuy nhiên, phái viên Mỹ lưu ý rằng các nhà đàm phán của Triều Tiên phải được chuẩn bị về vấn đề phi hạt nhân hóa tại các cuộc đàm phán với Mỹ.

"Đó chắc chắn là con đường dẫn đến thành công", ông nhấn mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh tháng 2 giữa hai nhà lãnh đạo Kim và Trump tại Việt Nam đã kết thúc đột ngột mà không có bất cứ thỏa thuận chung nào để lấp đầy các lỗ hổng trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo và cả giảm trừ trừng phạt của Mỹ lên Triều Tiên.

Ông Biegun nói rằng các nhà đàm phán của Triều Tiên không được trao quyền trong các cuộc đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về phi hạt nhân hóa mà chỉ có thể giải quyết các vấn đề khác về cải thiện quan hệ song phương.

"Cả hai bên đều hiểu rằng cần phải có cách tiếp cận linh hoạt hơn", ông Biegun nói thêm.

Một số người kỳ vọng rằng sẽ có bước đột phá mới cho quan hệ Mỹ Triều Sau khi một loạt các cuộc họp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản trong tuần tới. Thêm vào đó là chuyến thăm của ông Trump tới Seoul để hội đàm với ông Moon sau đó.

Được biết, lần cuối cùng Mỹ tuyên bố áp các lệnh trừng phạt liên quan đến Triều Tiên là vào tháng 3, khi Bộ Tài chính nhắm vào hai hãng tàu Trung Quốc mà họ cáo buộc đã giúp Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Ông Trump đã gây ra sự bối rối một ngày sau đó bằng cách đăng trên Twitter rằng ông đã ra lệnh rút lại các biện pháp trừng phạt bổ sung, nhưng cho đến nay các biện pháp đó vẫn được áp dụng.

Hồi tháng 5, Triều Tiên đã bắn một loạt tên lửa tầm ngắn như biểu hiện sự thất vọng rõ ràng trước sự bế tắc với Mỹ.

Mỹ sau đó tuyên bố rằng lần đầu tiên họ đã bắt giữ một tàu của Triều Tiên, Wise Honest, bị nghi ngờ vi phạm các biện pháp trừng phạt vì vận chuyển than và máy móc cho Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới