Mỹ 'không có cách nào' xác nhận tin về nguồn gốc COVID-19

Nhà Trắng nói rằng cần thêm thời gian để điều tra nguồn gốc COVID-19 và từ chối xác nhận các thông tin tình báo mà tờ The Wall Street Journal (WSJ) tiết lộ hôm 23-5, hãng tin Reuters cho hay.

WSJ đưa tin rằng một tài liệu tình báo bí mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy ba chuyên gia làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã phải nhập viện vào tháng 11-2019 "với các triệu chứng giống người nhiễm COVID-19 và các bệnh theo mùa khác". Điều này dấy lên nghi ngờ COVID-19 đã lây lan ở Trung Quốc sớm hơn thời điểm tháng 12-2019 như Bắc Kinh công bố.

Trong cuộc họp báo ngày 24-5, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nhận được một số câu hỏi liên quan tới thông tin trên.

Bà Psaki nói rắng chính quyền Washington "không có cách nào để xác nhận hay phủ nhận" và cũng "không có thêm thông tin gì" về báo cáo tình báo như WSJ tiết lộ. 

Một phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Bà Psaki cũng nhắc lại rằng Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ủng hộ cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 và đảm bảo nỗ lực quốc tế này không bị chính trị hóa hay bị bất kỳ nước nào can thiệp.

Trên cơ sở những báo cáo "giai đoạn một" đã được WHO công bố hồi cuối tháng 3, Mỹ "hy vọng WHO bây giờ có thể chuyển sang một cuộc điều tra giai đoạn hai độc lập, minh bạch hơn".

Bà Psaki còn nhắc lại cáo buộc của Nhà Trắng rằng Trung Quốc đã không cung cấp đầy đủ thông tin và hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu liên quan tới các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán.

Cùng ngày 24-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ những gì WSJ tiết lộ, gọi đó là thông tin "hoàn toàn sai sự thật".

Ông Triệu còn khẳng định rằng trong số các chuyên gia hay học viên nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, cho tới nay vẫn không có trường hợp nào nhiễm COVID-19.

Nguồn gốc COVID-19 và thời điểm Trung Quốc phát hiện các ca nhiễm đầu tiên vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Bắc Kinh nói rằng các ca bệnh đầu tiên được phát hiện từ ngày 8-12-2019, còn truyền thông và giới học giả phương Tây tin rằng dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng tại Vũ Hán từ tháng 11-2019.

Ngoài ra, còn có thuyết âm mưu rằng virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) là sản phẩm nhân tạo hay bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người tin vào giả thuyết này.

WHO nói rằng các chuyên gia vẫn đang cân nhắc mọi khả năng liên quan tới nguồn gốc COVID-19 nhưng cho rằng giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là gần như không xảy ra.

Sau khoảng một năm rưỡi hoành hành, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 167,9 triệu người trên khắp thế giới, trong đó gần 3.486.000 đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers.info

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới