Ngày 3-8 tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Mỹ và Nga chỉ trích lẫn nhau xung quanh việc Moscow rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào giữa tháng trước.
Mỹ, Nga chỉ trích nhau
Cụ thể, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về nạn đói và mất an ninh lương thực diễn ra hôm 3-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi tất cả các quốc gia tại LHQ yêu cầu Nga ngừng sử dụng Biển Đen như công cụ tống tiền, theo hãng tin Reuters.
Tàu chở hàng Mehmet Bey chờ đi qua eo biển Bosphorus, ngoài khơi bờ biển Yenikapi (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 10-2022. Ảnh: Mehmet Emin Calsikan/REUTERS |
Ngoài ra, ông Blinken cũng cho biết gần 90 quốc gia ủng hộ tuyên bố do Washington soạn thảo, trong đó cam kết "hành động để chấm dứt việc sử dụng lương thực làm vũ khí chiến tranh và nạn đói như một chiến thuật của chiến tranh”.
Trong khi đó, phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cáo buộc phương Tây có "thái độ kiêu căng và không sẵn lòng" thực hiện thỏa thuận ngũ cốc với Moscow.
Ông Polyanskiy nhấn mạnh rằng Nga đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực toàn cầu với việc chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường lúa mì toàn cầu và là nhà xuất khẩu phân bón chính của thế giới, theo hãng thông tấn TASS.
Do đó, phó Đại sứ Nga tại LHQ kêu gọi “các nước phương Tây cần tập trung đảm bảo rằng ngũ cốc và phân bón của Nga có thể được vận chuyển đến các quốc gia đang có nhu cầu mà không gặp trở ngại".
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 7-2022. LHQ cho biết thỏa thuận ngũ cốc giúp giá lương thực thế giới giảm 23% so với mức cao kỷ lục vào những tuần đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào ngày 17-7, cùng với việc Nga không kích, bắn tên lửa một số cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen và sông Danube vài ngày sau đó, giá ngũ cốc tăng trở lại, theo Reuters.
Khả năng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc
Theo Reuters, xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây vốn được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, Moscow nói rằng những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm cản trở các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc Nga.
Tháng trước, ông Polyanskiy cho biết Moscow sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngũ cốc nếu danh sách các yêu cầu được đáp ứng, như phương Tây bỏ những hạn chế nêu trên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 3-8. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH/YOUTUBE |
Ngày 3-8, trả lời các phóng viên tại trụ sở LHQ, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng xuất khẩu ngũ cốc của Nga vượt mức trước xung đột Nga-Ukraine.
Ông Blinken cũng cho biết những vấn đề phát sinh về vận chuyển hay bảo hiểm liên quan việc xuất khẩu ngũ cốc của Nga đều được Mỹ giải quyết thông qua Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
“Điều này bao gồm gửi thư xác nhận tới các ngân hàng để đảm bảo việc các ngân hàng xử lý những giao dịch trên là bình thường và không vi phạm lệnh trừng phạt của chúng tôi” - ông Blinken cho hay.
Bên cạnh đó, ông Blinken nhấn mạnh nếu thỏa thuận ngũ cốc được nối lại thì “chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo các nước, kể cả Nga, đều có thể xuất khẩu lương thực một cách tự do và an toàn”.
“Chúng tôi muốn thấy những loại lương thực đó trên thị trường thế giới. Chúng tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ mức giá thấp hơn” -
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin lưu ý rằng thỏa thuận ngũ cốc có thể được nối lại "dưới một hình thức mới", song điều này đòi hỏi phương Tây phải có hành động cụ thể, hãng thông tấn TASS đưa tin ngày 4-8.