Ngày 4-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tạm dừng việc thi hành lệnh rút bớt quân khỏi Đức trong khi chờ Lầu Năm Góc xem xét lại việc bố trí quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự trên khắp thế giới, hãng tin Sputnik cho hay.
Trong cùng ngày 4-2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết theo chỉ đạo của Tổng thống Biden, Lầu Năm Góc sẽ xem xét lại việc bố trí quân đội Mỹ về các mặt quân số, nguồn lực, chiến lược và nhiệm vụ ở các căn cứ trên toàn cầu.
Ông Austin cho biết trong quá trình xem xét lại việc hiện diện quân sự tại các căn cứ ở nước ngoài, Mỹ sẽ tham khảo ý kiến từ các đồng minh và đối tác của Washington.
Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Ayn al-Asad (Iraq) hồi giữa tháng 1-2020. Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết mục tiêu của động thái này là đảm bảo sự bố trí lực lượng ở nước ngoài phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Ông Austin bổ sung rằng Lầu Năm Góc cần đảm bảo rằng quân đội Mỹ “có năng lực phù hợp ở những địa điểm phù hợp” và có thể “hỗ trợ công việc của những nhà ngoại giao”.
Trước đó, vào giữa tuần trước, tờ The Wall Street Journal đưa tin chính quyền ông Biden đang xem xét lại quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump, về việc giảm quân số Mỹ ở Afghanistan và Iraq, song chưa có quyết định cuối cùng.
Trong phiên điều trần trước khi được Thượng viện phê chuẩn bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Austin tuyên bố sẽ xem xét lại cách Mỹ bố trí lực lượng ở Trung Đông và quyết định của ông Trump về việc rút một lượng lớn quân Mỹ khỏi Đức.
Ngày 30-6-2020, ông Trump phê chuẩn kế hoạch rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức, giảm quân số Mỹ tại quốc gia châu Âu này từ 34.500 xuống còn 25.000. Tuy nhiên, việc rút quân trên thực tế chưa được tiến hành.
Tháng 11-2020, ông Trump quyết định rút 2.000 quân Mỹ khỏi Afghanistan, tức gần một nửa trong số 4.500 lính Mỹ lúc bấy giờ đang đồn trú ở quốc gia Trung Á này. Trong khi đó, quân số Mỹ tại Iraq cũng được yêu cầu giảm từ 3.000 xuống còn 2.500. Ông Trump yêu cầu việc giảm quân số Mỹ ở hai nước trên phải được thực hiện trước ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ 20-1.
Theo Sputnik, Mỹ đang ở thế khó khi lực lượng ở Afghanistan và Iraq còn lại quá ít, có thể không đủ để tiến hành các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân đội nước sở tại, trong khi tăng quân có thể gây ra sự nguy hiểm về chính trị.
Với việc hầu hết các nhân vật mà ông Biden chọn vào các vị trí quan chức quân sự cấp cao đều có kinh nghiệm làm việc dưới thời Tổng thống Barack Obama, giới truyền thông cho rằng chính sách quốc phòng của ông Biden sẽ tương tự những gì ông Obama đã làm và khác đáng kể so với chính sách của ông Trump.