Ngày 13-1, Mỹ trục xuất 21 học viên sĩ quan đến từ Saudi Arabia đang thực tập tại căn cứ không quân hải quân Pensacola ở bang Florida (Mỹ). Vụ trục xuất liên quan việc căn cứ này bị thành viên không quân hoàng gia Saudi Arabia - Thiếu úy Mohammed Alshamrani xả súng tháng 12-2019, đài CNN dẫn thông tin từ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr.
Lý do Mỹ trục xuất 21 học viên sĩ quan Saudi Arabia vì phát hiện các học viên này liên quan các tài liệu “mang tính xúc phạm”. 17 người đăng tải có nội dung thánh chiến hay chống Mỹ trên mạng xã hội và 15 người có các tài khoản có nội dung “ấu dâm”.
Ông Barr ngày 13-1 cũng khẳng định vụ xả súng tại căn cứ không quân hải quân Pensacola tháng 12-2019 là hành động khủng bố, do "hệ tư tưởng thánh chiến" thúc đẩy.
Theo lời ông Barr, Alshamrani - đang huấn luyện tại căn cứ không quân hải quân Pensacola - đã đi vào tòa nhà và “máu lạnh” bắn hạ những người vô tội, không vũ trang.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr trong buổi họp báo ngày 13-1. Ảnh: CNN
Theo công bố từ Bộ trưởng Barr, Alshamrani có nhiều hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội về việc chống người Mỹ, Israel và bày tỏ quan điểm thánh chiến của mình.
“Vào ngày 11-9-2019, Alshamrani đăng bài với nội dung “Thời gian đếm ngược bắt đầu” và nhiều bài viết khác trên mạng xã hội trước khi thực hiện hành vi xả súng” - ông Barr nói.
Ông Barr cũng cho biết vụ việc xả súng tại căn cứ Pensacola đã khiến Mỹ phải giám sát chặt chẽ hệ thống cho phép thực tập sinh huấn luyện quân đội tại các căn cứ của Mỹ.
Ông Barr vẫn xem Saudi Arabia là một “đối tác quân sự quan trọng” và khẳng định vương quốc này đã hợp tác điều tra tích cực vụ xả súng trên.
Những bài viết trên mạng xã hội bày tỏ thù ghét nước Mỹ của kẻ xả súng, Thiếu úy Alshamrani. Ảnh: CNN
Một vấn đề khác khiến ông Barr bày tỏ thái độ vô cùng thất vọng tại buổi họp báo trên đó là Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không thể truy cập vào dữ liệu lưu trữ trên hai chiếc điện thoại iPhone của Alshamrani vì hệ thống mã hóa tích hợp của Apple.
Ông Barr nói rằng cho dù các chuyên gia có thể sửa điện thoại bị hư nhưng không thể nào tiếp cận nội dung vì bị cài mật khẩu.
"Cả hai điện thoại của Alshamrani đã được cài đặt, thiết kế nên không thể mở được nếu không có mật khẩu. Điều quan trọng là phải biết hắn ta liên lạc với ai và đã nói những gì trước khi hắn chết”.
Hình ảnh chiếc iPhone bị vỡ màn hình của Alshamrani được đưa ra trong buổi họp báo ngày 13-1. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Hiện Bộ Tư pháp Mỹ chưa yêu cầu hãng công nghệ, sản xuất điện thoại Apple hầu tòa để yêu cầu mở khóa như vụ việc năm 2016 liên quan đến một chiếc iPhone của kẻ xả súng ở hạt San Bernardino (bang California) hay không.
Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Barr, hãng công nghệ Apple không cung cấp bất kỳ sự trợ giúp đáng kể nào trong điều tra sự việc xả súng, chỉ đưa thông tin trên dữ liệu đám mây chứ không cho quyền truy cập vào thiết bị.
"Chúng tôi kêu gọi Apple và các công ty công nghệ khác giúp tìm ra giải pháp để chúng tôi có thể bảo vệ cuộc sống của người Mỹ tốt hơn và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai" - ông Barr nói.
Ngay sau buổi họp báo, hãng công nghệ Apple đã lên tiếng phản hồi.
"Chúng tôi đã trả lời từng yêu cầu kịp thời, trong vài giờ và chia sẻ thông tin với các văn phòng FBI ở Jacksonville, Pensacola và New York" - tuyên bố Apple cho biết. "Nhiều truy vấn đã đưa ra nhiều Gigabyte dữ liệu thông tin và chúng tôi đã chuyển cho các nhà điều tra. Trong mọi trường hợp, chúng tôi đã trả lời với tất cả thông tin mà chúng tôi có".