Tạp chí Popular Mechanics ngày 11-4 đưa tin một báo cáo do Bộ Tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) thuộc quân đội Mỹ thực hiện năm 2017 đã từng dự đoán viễn cảnh bùng phát một dịch bệnh mới về đường hô hấp có thể lây lan trên toàn thế giới, tác động đến xã hội và kinh tế Mỹ trong ít nhất hai năm.
Bản báo cáo, được đặt tên là Branch Plan 3650, cũng đưa ra nhận định rằng tình trạng bất ổn toàn cầu theo sau đại dịch này sẽ làm xã hội các nước bị xáo trộn, chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy và xung đột nổ ra giữa nhiều quốc gia.
Để đương đầu dịch bệnh nói trên, Branch Plan 3650 đã phác thảo hai nhiệm vụ chính mà NORTHCOM cần tiến hành: (1) Ứng phó đại dịch trong nước nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tác chiến; (2) duy trì khả năng hỗ trợ các đồng minh.
Các nhân viên y tế cầm di ảnh các đồng nghiệp tử vong vì COVID-19 bên ngoài BV Mount Sinai ở TP New York, Mỹ ngày 10-4. Ảnh: CNN
Vấn đề lớn nhất mà NORTHCOM phải đối mặt và giải quyết khi tình huống đó xảy ra là thiếu hụt nhân lực do nhiễm bệnh và mất thêm một lượng nhân lực khác để chăm sóc số bệnh nhân này.
Báo cáo cũng đưa ra nhiều khuyến cáo tương tự những gì mà các chuyên gia hiện nay ban bố cho COVID-19 như "cần chặn khả năng lan truyền của dịch bệnh từ thời điểm khởi phát" và đề xuất một số giải pháp như "tiêm phòng, rửa tay thường xuyên, che miệng ho và giãn cách xã hội".
Đáng lo ngại hơn, viễn cảnh vẽ ra trong báo cáo của NORTHCOM không mấy lạc quan khi ước tính Mỹ sẽ cần đến 24 tháng để khôi phục nếu dịch bệnh giả định bùng phát ở nước này.
Các số liệu chi tiết về thiệt hại kinh tế không được nêu rõ trong báo cáo nhưng NORTHCOM cho rằng một thảm họa với quy mô như vậy có thể lấy đi 40% lực lượng lao động trong nước.
Cuối cùng, Branch Plan 3650 dẫn nguồn Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ khẳng định dịch bệnh sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế ở tầm quốc tế. Một số viễn cảnh tiêu cực mà cơ quan này đưa ra bao gồm Triều Tiên sẽ tấn công Mỹ, Nga tấn công Ukraine và các lực lượng khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay al-Qaeda sẽ trỗi dậy.
Tính đến sáng 13-4, toàn thế giới ghi nhận 1.853.155 người nhiễm COVID-19 với 114.247 trường hợp tử vong.