Myanmar lên kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự với Nga

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik hôm 27-6, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết chính quyền Myanmar (do quân đội nước này lập ra sau cuộc chính biến hôm 1-2) dự định sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga.

"Chúng tôi sẽ tạo nên một mối quan hệ đối tác mới và sẽ mở rộng nó. Ngay từ đầu, sự hợp tác quân sự của chúng tôi đã được thiết kế để mở rộng theo thời gian. Đó là lý do tại sao trong cuộc họp vừa qua, chúng tôi chủ yếu thảo luận về việc mở rộng sự hợp tác hiện có này” - ông Min Aung Hlaing nói.

Ông Min Aung Hlaing, Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar, đề cập đến cuộc gặp tuần trước giữa ông với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại một hội nghị quân sự quốc tế ở Moscow vào ngày 22-6.

Thống tướng Min Aung Hlaing (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái)  tại một hội nghị quân sự quốc tế ở Moscow vào ngày 22-6. Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi chủ yếu thảo luận về các vấn đề phòng không, về mối quan hệ song phương cùng có lợi trong việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quân sự" - ông Min Aung Hlaing nói, thêm rằng trước “sự quan tâm đặc biệt” của các cường quốc trên thế giới, Myanmar cần tăng cường khả năng phòng không của mình.

Trước đó, tại cuộc gặp ở Moscow, Bộ trưởng Shoigu gọi Myanmar là một "đối tác chiến lược đã được kiểm chứng qua thời gian của Nga và là đồng minh đáng tin cậy ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Trong khi đó, Thống tướng Min Aung Hlaing gửi lời cảm ơn đến sự hỗ trợ của Moscow khi khẳng định "quân đội của Myanmar đã trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất trong khu vực nhờ Nga".

Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự hội nghị quân sự quốc tế ở Moscow, Nga, vào ngày 22-6. Ảnh: REUTERS

Động thái trên diễn ra sau khi Tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu AK Bars ở Nga tiết lộ một quốc gia Đông Nam Á đang có ý định mua tàu tuần tra thuộc Đề án 22160 của Nga, được biết tới với cái tên Vasily Bykov, và tự đóng thêm hai chiếc nữa tại nhà máy đóng tàu của chính họ. 

Theo đó, khách hàng nước ngoài này, được dự đoán là Myanmar, muốn AK Bars kiểm soát cả quy trình tổ chức sản xuất và đào tạo công nhân, Sputnik đưa tin.

Quân đội Myanmar đã giành quyền kiểm soát đất nước sau cuộc chính biến hôm 1-2. Đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối do người dân tổ chức kể từ khi vụ việc xảy ra nhằm phản đối chính quyền quân sự. 

Mặt khác, các quan chức chính quyền quân sự Myanmar khẳng định việc họ làm là vô cùng hợp lý và thề sẽ chuyển giao quyền lực sau một cuộc bầu cử mới, tuy nhiên, ngày diễn ra cuộc bầu cử vẫn chưa được công bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm