Năm 2023: TP.HCM đưa metro 1 về đích, khởi công metro 2

(PLO)- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo Sở GTVT TP cần nhắm vào mục tiêu để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, tránh bị trôi tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-12, Sở GTVT TP đã tổ chức tổng kết công tác năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2023. Tham dự hội nghị có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

Kiến nghị tăng nguồn vốn đầu tư

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết: Năm 2022, Sở GTVT đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, chỉ đạt 19,8% so với nhu cầu. Vì vậy, chưa đáp ứng nhu cầu để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông theo các chỉ tiêu, định hướng đã đề ra.

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được thúc tiến độ để hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: ĐT

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được thúc tiến độ để hoàn thành trong năm 2023. Ảnh: ĐT

Trước thực trạng trên, sở kiến nghị UBND TP ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án công trình giao thông trọng điểm, cấp bách để bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 sau khi Chính phủ phê duyệt tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, kết nối vùng, khu vực cảng biển TP.

Ông An kiến nghị UBND TP chủ trì họp với Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT; UBND hai tỉnh Long An, Tiền Giang để thống nhất các nội dung như quy mô và hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án, kế hoạch thực hiện các dự án…

Ông An cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì tham mưu các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trên địa bàn TP. Trong đó có việc kiện toàn các ban bồi thường GPMB ở các quận, huyện.

Song song, tập trung tổ chức thẩm định phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở - dự toán và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 để khởi công trong tháng 6-2023 theo kế hoạch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 20 công trình và khởi công công trình trong năm 2023.

Ông An cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến metro số 1 và khởi công tuyến metro số 2 trong năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng như các đường vành đai 2, vành đai 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên…

Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND TP, Bộ GTVT giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư như các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 2; cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…

Năm 2022 có nhiều dấu ấn trong công việc như chuẩn bị cho dự án đường vành đai 3, khởi công nhiều công trình trọng điểm của TP.

Cần chú trọng các mốc tiến độ công việc

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết năm 2022 có nhiều dấu ấn trong công việc như chuẩn bị cho dự án đường vành đai 3 và khởi công nhiều công trình trọng điểm của TP. Bên cạnh đó, sở cũng triển khai thu phí cảng biển hiệu quả, hiện đại.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, chưa được hài lòng bởi một số dự án chậm, kéo dài. Cạnh đó, giao thông cá nhân tăng nhanh, giao thông công cộng chưa đáp ứng. Đây thực sự là thách thức và các đơn vị phải suy nghĩ, triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ông Lâm cho biết Sở GTVT là cơ quan tham mưu đối với đề án giao thông. Đơn cử như Đề án cấm xe khách, quy hoạch giao thông thủy, phát triển giao thông theo mô hình TOD ra sao… Tất cả phải có phân công nhiệm vụ rõ ràng từng sở, ngành.

Đối với vấn đề GPMB , ông Lâm cho rằng phải cần chọn những dự án có trọng tâm, trọng điểm tham mưu UBND về phương án triển khai, trách nhiệm của ai để mang lại hiệu quả nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết một năm qua ngành giao thông đã nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua quá trình thực hiện, ngành giao thông cần xem xét cách làm. TP.HCM không thể tách rời trong một tổng thể chung, với các tỉnh, thành. Nếu nhìn lại, qua quá trình thực hiện cho thấy “sản phẩm” đường vành đai 3 khi dự án được thành công trong việc phối hợp, dù còn nhiều khó khăn.

Theo ông Cường, UBND TP cũng đã họp về kế hoạch đưa ra các đầu việc cần phải làm mới đảm bảo hiệu quả công việc. TOD cũng đã bàn thảo nhiều năm qua nhưng cần làm sao cho hiệu quả. Vì vậy, cần phải bắt tay vào để làm, mang lại sản phẩm cụ thể. Làm nhiệm vụ phải gắn với mục tiêu, phải nhìn vào mốc tiến độ để không bị “trôi tiến độ”. Cần xem nhiệm vụ nào quan trọng, có ưu tiên, có trọng điểm để tập trung cho hiệu quả.

Cách đặt vấn đề, cách làm việc trong thời gian qua của Sở GTVT đã tập trung và tạo ra cảm hứng, động lực làm việc. “Rất mong năm 2023 ngành GTVT tiếp tục hoàn thiện các nhiệm vụ chuyên môn, năng động, sáng tạo và đi đầu trong phong cách làm việc, đổi mới. Đối với những kiến nghị của sở với UBND TP, tôi sẽ tiếp thu và phối hợp, chỉ đạo hỗ trợ” - ông Cường nhấn mạnh.•

Vai trò của đường vành đai 3

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: Thời gian qua TP.HCM đã có nỗ lực trong việc phối hợp với các địa phương để trình và được Quốc hội thông qua dự án đường vành đai 3.

Có lẽ đường vành đai 3 là dự án đầu tiên được xây dựng các cơ chế, chính sách được Quốc hội ban hành cho các địa phương yên tâm triển khai. Đường vành đai 3 sẽ là hạ tầng rất quan trọng, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện phát triển rất lớn cho TP.HCM và khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm