Đài CNN đưa tin, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine ngày 1-4 cho biết việc Ấn Độ thử thành công tên lửa bắn rơi vệ tinh là “điều khủng khiếp” vì vụ thử nghiệm đã tạo ra ít nhất 400 mảnh vỡ bay trong quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các phi hành gia làm việc trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
“Đó là điều khủng khiếp khi thực hiện sự kiện tạo ra các mảnh vỡ bay lên phía trên ISS. Những hành động như thế này không phù hợp với tương lai của những chuyến bay đưa con người lên vũ trụ. Không thể chấp nhận việc cho phép con người tạo ra các mảnh vụ trên quỹ đạo gây nguy hiểm cho chính con người", ông Bridenstine nói.
95% vật thể được minh họa trong hình ảnh của NASA là rác vũ trụ. Ảnh: RT
Ông Bridenstine giải thích không phải tất cả mảnh vỡ đều đủ lớn để quan sát. “Chỉ có khoảng 40 trong số 400 mảnh vỡ đang được theo dõi, chúng tôi đang nói đến những đối tượng có kích thường bằng hoặc lớn hơn 10cm”, ông nói.
Vệ tinh của Ấn Độ hôm 27-3 bị tên lửa bắn hạ tại độ cao 300km so với mặt đất, thấp hơn nhiều so với ISS cũng như hầu hết các vệ tinh trên quỹ đạo. Tuy nhiên, có ít nhất 24 mảnh vỡ đang bay lên phía trên, làm tăng nguy cơ rác vũ trụ va chạm với ISS lên 44%.
Hiện NASA đang theo dấu 23.000 vật thể có kích cỡ lớn hơn 10cm, trong số đó có khoảng 10.000 mảnh vỡ trong vũ trụ, bao gồm cả 3.000 mảnh vỡ được tạo ra sau cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh của Trung Quốc năm 2007 ở độ cao 852km so với bề mặt Trái Đất, theo CNN.