Cách đây không lâu, nhiều người Mỹ sẵn sàng thậm chí háo hức chi tiền mua những chiếc TV mới lạ mắt, đồ dùng cao cấp cho phòng tắm và nhà bếp, hay những chiếc xe đắt tiền.
Xu hướng này đến khi người Mỹ thoát tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19 và có được công việc tốt hơn, chấp nhận chi tiêu nhiều hơn, có mong muốn được sống cuộc sống tuyệt vời hơn, bất chấp giá cả, theo đài CNN.
Đây là những hệ lụy của nền kinh tế YOLO (viết tắt của cụm từ “bạn chỉ sống một lần”) hay còn gọi là chi tiêu trả thù. Trong nền kinh tế này, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm sống và hàng hóa mà họ không có cơ hội tiếp cận trong thời gian đại dịch.
“COVID-19 đã cho tất cả chúng ta thấy rằng cuộc sống không kéo dài mãi mãi. Kỳ nghỉ hưu thì còn xa trong tương lai và có thể bị gián đoạn do một điều gì đó giống như đại dịch toàn cầu. Điều đó đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Mọi người muốn sống trong thời điểm này” – ông Sameer Samana, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện đầu tư Wells Fargo (Mỹ), nói.
Giờ đây, 5 năm sau khi đại dịch bùng phát, bữa tiệc chi tiêu tự do nói trên sắp kết thúc. Và đó có thể là tin xấu cho nền kinh tế Mỹ.
Nền kinh tế YOLO đã cứu các TP ở Mỹ?
Tại nhiều TP tại Mỹ hiện tại, lượng người ở lại trung tâm TP sau giờ làm việc và vào cuối tuần nhiều hơn so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch. Điều này trái ngược hoàn toàn với khung cảnh ảm đạm trong giờ làm việc hành chính (từ 8 giờ đến 16 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu). Trong giờ hành chính, nhiều TP chỉ ghi nhận hoạt động của người dân ở mức khoảng 60% đến 70% so với năm 2019.
“Nhiều trung tâm TP lớn đang cố gắng khôi phục hoạt động. Các TP San Francisco, Chicago, Detroit, Minneapolis, Houston và Dallas đều có hoạt động ngoài giờ làm việc cao hơn ít nhất 35% so với trong thời gian hành chính” – theo nghiên cứu của ĐH Toronto (Canada).
Tại thủ đô Washington D.C., lượng người đi chơi vào ban đêm đã tăng lên. Lượng hành khách đi xe buýt và tàu điện ngầm cuối tuần hiện cao hơn mức năm 2019.
Ông Masoud Aboughaddareh - chủ nhà hàng Lima Twist ở thủ đô Washington D.C. - cho biết việc kinh doanh vào buổi trưa của nhà hàng ông rất ảm đạm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh các hoạt động buổi tối và cuối tuần của nhà hàng lại rất khả quan.
Theo tờ The Washington Post, nhiều người giờ đây tập trung hơn vào việc trải nghiệm các dịch vụ họ sử dụng. Do đó, xét về mặt tích cực, nền kinh tế YOLO đã đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của các TP ở Mỹ thời gian qua.
Sau 30 năm kinh doanh, ông Aboughaddareh giờ đang tập trung vào việc đưa yếu tố trải nghiệm vào nhà hàng. Ông Aboughaddareh sắp mở một nhà hàng khác ở trung tâm Washington D.C., và tập trung vào trải nghiệm liên quan văn hóa Ả Rập.
Nền kinh tế YOLO đang chết dần?
Chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm trở lại và ngay cả những người Mỹ có thu nhập cao cũng đang chuyển sang mua các hàng tại các nhà bán lẻ thường xuyên giảm giá như Walmart.
Chuỗi siêu thị Target đang giảm giá để thu hút người dân quay trở lại cửa hàng của họ. Trong khi đó, các cửa hàng đồ ngọt và thức uống như Starbucks báo cáo doanh số bán hàng không tăng như trước.
Những hiện tượng này là kết quả của việc lạm phát tăng cao và người tiêu dùng sắp hết tiền tiết kiệm mà họ dành dụm trong thời COVID-19. Trong khi đó, thị trường việc làm bắt đầu thắt chặt và người lao động ngày càng lo lắng về việc có thể mất việc làm.
“Tại một thời điểm nào đó, bạn phải tìm hiểu xem trạng thái bình thường mới trông như thế nào. Các nhà tuyển dụng muốn nhân viên quay lại văn phòng thường xuyên hơn và ở một số địa điểm nhất định, bạn không thể làm việc ở bất cứ đâu như trước nữa. Thay đổi này cũng kéo theo thay đổi về mặt tư duy” – ông Samana nói.
Theo CNN, chi tiêu của người tiêu dùng đã cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái trong những năm lạm phát và lãi suất cao sau đại dịch. Giờ đây, nó vẫn tiếp tục là thước đo thường xuyên được dùng để tính toán về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Vì vậy, nếu tốc độ chi tiêu chậm lại, đó sẽ là tin xấu và có khả năng gây ra cuộc suy thoái mà các nhà kinh tế đã cảnh báo từ năm 2021. Tuy nhiên, theo CNN, điều đó có thể không xảy ra sớm.
“Thực sự không có dấu hiệu nào cho thấy tất cả yếu tố đè nặng lên tâm trí người tiêu dùng sẽ sớm giảm bớt” – ông Samana nói.
Tuy nhiên, việc kết luận vào thời điểm này vẫn có thể là còn quá sớm.
Khoảng thời gian 2 tuần tới là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, người tiêu dùng và những người theo dõi nền kinh tế Mỹ nói chung. Dữ liệu việc làm chính thức trong tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố trong vài ngày tới. Dựa trên dữ liệu này, các nhà phân tích sẽ xem xét những thay đổi trong thị trường lao động.
Thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng sẽ tổ chức họp chính sách. Tại đây, các quan chức cũng sẽ công bố triển vọng về việc làm, lạm phát và lãi suất trong những tháng tới.