Nếp nhà từ những bữa cơm

Một bữa cơm ngoài ý nghĩa cơ bản là nạp năng lượng còn giúp mọi người trong gia đình chia sẻ và thấu hiểu về nhau hơn.

Là một đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, chia sẻ trừ khi phải công tác xa nhà, ông luôn cố gắng dành thời gian ăn cùng với vợ con vào lúc 6 giờ 30 đến 7 giờ tối mỗi ngày.

Đừng để nếp nhà trôi tuột

“Ăn ở đâu cũng không ngon bằng ở nhà, dù bữa cơm đó chỉ là rau luộc, cà pháo, khô chiên nhưng ấm cúng vì nơi đó có hương vị của tình thân. Tôi nghĩ rằng càng ít ăn chung thì trong mỗi người khoảng trống riêng càng lớn” - ông Minh nói.

Với những người làm nghề y, thời gian không theo nếp bình thường như nhiều nghề khác nhưng gia đình GS-TS Trần Ngọc Sinh vẫn giữ cho được ít nhất một bữa cơm trong ngày. Đó là một mệnh lệnh cương quyết của người chủ gia đình, vị bác sĩ ghép thận nhiều nhất Việt Nam. Cô Ngô Thị Giẻo, trước là giáo viên toán, vợ của GS Sinh, cho biết: “Hồi mới lấy nhau, tôi dạy học ở Bình Dương, anh công tác ở thành phố, muốn một bữa cơm chung phải đợi cả tuần, có khi cả tháng. Từ khi tôi chuyển về thành phố hẳn thì bữa cơm gia đình đã là một khâu không thể thiếu để gìn giữ sự đầm ấm trong nhà. Suốt một thời gian dài, đó là một quy định cứng rắn. Chỉ mãi sau này, khi đứa con gái út học đại học, nếu ăn trễ quá thì chuyện học của cháu ảnh hưởng nên cả nhà thống nhất, nếu ba về sau 8 giờ, con gái có thể ăn trước để học bài”. GS Sinh chia sẻ: “Vì công việc nhiều quá, tôi sợ nếp nhà sẽ dễ dàng bị trôi tuột, mình làm cha mà không gần gũi, theo dõi được chuyện học hành con cái trong ngày nên bữa cơm nhất thiết phải giữ. Đó là thời gian hạnh phúc vừa cho cha mẹ vừa cho con cái”. Từ nếp nhà đẹp này, giờ thì các con của GS Sinh đã trưởng thành, hai con trai đều theo ngành y. Đứa con gái út hiện cũng đang học tiếp năm thứ ba một đại học dược ở Mỹ. “Gia đình giờ cũng chỉ còn lại hai vợ chồng già nên không có ảnh tôi ăn cũng không được. Chờ nhau ăn chung quen rồi” - cô Giẻo nói.

Hầu hết các vụ ly hôn đều vắng bữa cơm gia đình. Ảnh: HTD

Ly hôn vì thiếu vắng bữa cơm gia đình

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhận định: “Đúng là đang thiếu vắng những bữa cơm gia đình dưới các mái nhà đô thị. Cuộc sống tất bật nên không dễ duy trì bữa cơm chung nếu cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên mà không có ý thức gìn giữ. Ít nhất mỗi gia đình cũng nên dành ra hai buổi ăn tối cùng nhau vào những ngày nghỉ cuối tuần. Bữa cơm gia đình đúng nghĩa là mọi người hướng vào nhau chứ không phải mỗi người bưng một tô vào phòng riêng, xem tivi hoặc vừa ăn vừa đọc sách, chẳng ai trò chuyện với ai”.

Một thẩm phán tòa chuyên trách TAND TP.HCM cho biết vợ chồng chị làm cùng ngành nên rất bận, dù vậy ai cũng cố gắng thu xếp về nhà dùng cơm chung sau 6 giờ chiều. Bữa cơm ngoài ý nghĩa cơ bản là nạp năng lượng, còn giúp mọi người chia sẻ, hiểu về nhau hơn. Chị nhận định: “Trong rất nhiều những vụ án ly hôn, khi hỏi lý do, nhiều cặp nói là không còn hiểu và chia sẻ được với nhau nữa. Hỏi sâu hơn về sinh hoạt trong gia đình thì hầu hết cho thấy họ thiếu vắng những bữa ăn chung tại nhà. Ví dụ có trường hợp chồng đi làm về rồi đi đánh tennis, vợ về nhà nấu xong ăn qua loa, con thì vừa ăn vừa coi tivi một cách thụ động. Đời sống ở đô thị khiến họ quá căng thẳng nên mỗi người tự tạo cân bằng riêng cho mình một cách khác nhau mà không hướng về nhau hoặc không đánh giá hết được vai trò quan trọng của bữa cơm gia đình”.

THANH MẬN 

 Nhân ngày này, nhà thơ Phong Việt (người đã xuất bản hai tập thơ Đi qua thương nhớ và Từ yêu đến thương) chia sẻ: 

Bữa cơm gia đình trong ký ức tuổi thơ tôi ở quê nhà miền Trung luôn là những bữa cơm đơn sơ mà ấm cúng nhất.

Nhà đến bảy anh em trai và tôi là con út, cộng thêm ba má nữa nên bữa cơm lúc nào cũng ồn ào tiếng cười nói. Mà món ngon nhất và nhiều nhất chính là nồi cơm lúc nào cũng có phần cơm cháy vàng rụm bên dưới do nấu bằng củi, còn lại chủ yếu là rau muống xào, nước canh rau muống, ít cá kho… Bữa cơm thường chủ yếu là ăn cá với rau vì đó là hai món rẻ nhất, vì thị xã nghèo nằm sát cạnh biển và có vựa rau lớn ở bên huyện cung cấp mỗi ngày. Những ngày ấy, dường như cuộc sống càng khốn khó bao nhiêu thì những bữa cơm lại càng hạnh phúc bấy nhiêu.

Tôi là người mê bữa cơm gia đình nên khi có một gia đình nhỏ cho riêng mình thì những bữa cơm gia đình bao giờ cũng khiến tôi ăn ngon hơn và cảm nhận về mùi vị tốt hơn. Cuộc sống bận rộn ở Sài Gòn đôi khi không cho phép gia đình nhỏ của tôi thường xuyên ngồi ăn với nhau trong những bữa cơm tại nhà nhưng cũng chính vì thế vào những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ mỗi lần được ngồi ăn bữa cơm cùng nhau là mỗi lần rộn vui.

Thật ra nấu một bữa ăn không khó, thời gian dành cho việc nấu nướng cũng không nhiều vì hiện tại đã có quá nhiều hỗ trợ cho việc bếp núc. Nhưng khó nhất là tình cảm của người nấu đặt vào món ăn, những gắn kết của mọi người khi ngồi xuống ăn cùng nhau và trò chuyện… vì đó mới là thứ làm nên hạnh phúc của bữa ăn. Và hạnh phúc gia đình phần lớn đến từ những điều nhỏ nhặt như thế!  

Nếp nhà từ những bữa cơm ảnh 2
 Nhà thơ Phong Việt

Về bữa cơm gia đình, tôi đã viết:

Nấu cho nhau một bữa ăn bình thường!

Chỉ là nấu cho nhau một bữa ăn, một bữa ăn bình thường

là đã đủ cho những gì mình vẫn gọi tên nhau- yêu thương

Khi người này choàng tay ôm lấy người kia từ phía sau trong căn bếp vẫn hình dung

cọ sát vành tai để biết cuộc đời này ước mơ giờ chỉ cần là thế…

một nụ hôn dài nói được nhiều hơn cả một quãng đời thương nhớ

những ngón tay đan xen vào nhau nhiều hơn không biết bao nhiêu lời hứa

 về cạnh bên!

Trong căn bếp đó chúng ta sẽ bắt đầu một hành trình

học cách chăm sóc người này từ những món ăn đơn giản

thêm một chút ớt cay hay nêm cho vừa từng hạt muối mặn

chúng ta hiểu về bình yên nên không còn sợ những chát đắng

nếu lỡ tay đôi lần…

Trong căn bếp đó người này sẽ rửa chén cho người kia sau mỗi bữa ăn

để thấy những giấc mơ chẳng quá xa xôi như đã từng lầm tưởng

để thấy một niềm tin sẽ kéo dài hơn định mệnh

để thấy những tiếng cười thật sự là tiếng cười chân thật

để thấy mình cuối cùng cũng đi qua được thử thách

để được bắt đầu…
 

Khi người kia gắp cho người này một đũa thức ăn từ chén của nhau

yêu thương đó không thể tính bằng ngày bằng tháng

để ngồi cạnh nhau bên một chiếc bàn, lòng mình đã từng bão giông vô hạn

từ bỏ một chọn lựa ngày nào và yên tâm với một chọn lựa khác

một chọn lựa xứng đáng

vì trái tim…

Ở ngoài kia, cuộc đời có bình lặng hay vẫn đau đáu những niềm riêng

ở ngoài kia, cuộc đời có trách chúng ta sống vì những thương yêu ích kỷ

ở ngoài kia, cuộc đời có từ chối chúng ta như thể chúng ta cạn nghĩ

ở ngoài kia, cuộc đời có xem thường hay bao dung thì cứ tự quyết định lấy

chúng ta không cần…

Vì trong căn bếp này chúng ta đang nấu những bữa ăn

những bữa ăn mà có khi cả đời người chẳng mấy ai ăn được

chỉ là một tô canh, một đĩa rau, một phần cá thịt

ăn vì niềm vui được nhìn thấy nhau qua từng nét mặt

ăn vì yêu thương…

Chỉ đơn giản là, người kia nấu cho người này những bữa ăn bình thường

và người này rửa chén cho người kia sau mỗi bữa ăn…

Nhà thơ PHONG VIỆT

Nhớ nhà nhớ nhất bữa cơm!

Năm 15 tuổi với những bốc đồng và sốc nổi, tôi rời gia đình ở Gia Lai, cầm 25.000 đồng lên một chuyến xe, ra đi…

Đã chín năm trôi qua nhưng ký ức những tháng ngày sống cảnh bụi đời vẫn hiển hiện. Đêm thì leo lên cây ngủ, ngày thì phụ hàng quán để xin cơm thừa. Đói là cảm giác thường trực. Nhớ về gia đình, tôi nhớ nhất những bữa cơm.

Nhà tôi có bốn anh em, cả ba mẹ nữa là sáu. Hầu như bữa cơm nào cũng phải đủ mặt sáu người mới bắt đầu. Cơm nhà nông nhiều khi chỉ có rau luộc và nước muối. Ba mẹ thường gắp thức ăn, nhường hết thức ngon vật lạ cho các con. Bữa cơm luôn là kết quả của sự chung tay từ mỗi thành viên.

Nếp nhà từ những bữa cơm ảnh 3

Trần Văn Quyến (đứng giữa) đang làm bữa cơm cho các em trong mái ấm Tre Xanh. Ảnh: TM

Tôi nhớ ba mẹ hay hỏi: Hôm nay con học có gì khó không? Sao hôm nay ăn ít vậy con, có bệnh gì không? Con ăn vầy sao mau lớn được?… Những câu hỏi này dội về như những tiếng chuông leng keng êm ả trong đầu tôi những lúc cầm hơi cơm bụi cơm thừa. Mỗi lần ký ức quay về hình ảnh ấm áp đó, tôi lại ứa nước mắt. Đã chín năm rồi, một bữa cơm gia đình đúng nghĩa tôi không dịp nào có lại được.

Hồi đó, sau một tháng đi bụi lang thang khổ sở, tôi được một người bạn đồng cảnh dắt vào nương náu ở mái ấm Tre Xanh (quận 1). Ở đây, tôi được cho đi học ở trường nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố. Ra trường, tôi làm bếp trưởng ở nhiều nhà hàng lớn trong thành phố, Phú Quốc… với mức lương mà bất kỳ ai trong nghề cũng mơ ước. Nhìn khách hàng của mình ăn ngon miệng, cảm giác thèm một bữa cơm gia đình trong tôi lại dâng trào…

Vì hoàn cảnh riêng không thể quay về nhà được nữa, tôi quyết định từ bỏ tất cả, trở lại mái ấm Tre Xanh. Vừa kiếm tiền lo cho mái ấm, tôi vừa muốn dựng lại bữa cơm gia đình cho các em đồng cảnh. Hằng ngày, tôi cho các em thay phiên nhau đi chợ, nhặt rau, nấu nước, bày mâm, dọn dẹp… để sau này biết tự chăm sóc bản thân. Bữa cơm trong mái ấm là bữa cơm của những thành viên có gia cảnh không trọn vẹn, tôi muốn các em phải chờ đủ mặt mới ăn. Từ trong tiếng lao xao của chén, muỗng, các em thể hiện tình cảm, hiểu biết của mình qua việc mời người lớn, nhường người nhỏ...

Tôi có làm một trắc nghiệm nhỏ, biết các em đã vơi đi cảm giác thèm khát khi ngang qua nhà ai đó đang ấm cúng trong buổi cơm chiều. Dường như có một niềm vui nho nhỏ đang thắp nến trong tôi. Vì Tre Xanh đã là một gia đình của những mảnh đời bất hạnh, nơi đó cũng ấm cúng những bữa cơm gia đình. Dù vậy, vẫn muốn nhắn với những ai khác chúng tôi rằng, hãy trân trọng từng bữa cơm gia đình mà mình đang có.

TRẦN VĂN QUYẾN (Mái ấm Tre Xanh)

THANH MẬN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm