Áng mây doping bao phủ thể thao Nga nhiều năm qua, nay có khả năng bóng đá cũng bị vạ lây khiến tuyển Nga sẽ bị cấm thi đấu World Cup 2022.
Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đã cáo buộc Nga đánh tráo các mẫu xét nghiệm doping của các VĐV Nga từ phòng kiểm tra doping của Nga (RUSADA) sang cho WADA.
Quốc kỳ Nga sẽ vắng bóng tại Olympic Tokyo.
Theo như án trừng phạt của WADA rồi dẫn đến Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ra quyết định, thể thao Nga bị cấm tham dự các giải đấu quốc tế bao gồm Olympic mùa Hè 2020 tại Tokyo, Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh và World Cup 2022 bóng đá nam. Phía Nga có 21 ngày để kháng án lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS).
Riêng việc Nga đã chạy đua và được chọn diễn ra các sự kiện thể thao và bóng đá châu Âu thì không bị tước quyền. Chẳng hạn như TP Saint Petersburg đã được UEFA chấp nhận đăng cai tổ chức bốn trận bóng đá của vòng chung kết Euro 2020 vẫn cứ diễn ra bình thường.
Đoàn thể thao Nga không thể dự Olympic mùa Hè 2020 tại Tokyo, Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh dưới màu cờ Nga.
Các VĐV khác của Nga có quyền đề xuất đăng ký tham dự các kỳ Olympic này với màu cờ trung lập (cờ Olympic). Tuy nhiên, các VĐV này phải nộp hồ sơ chứng minh sự trong sạch và không liên quan đến án doping của thể thao Nga.
Phản ứng về vấn đề này, Tổng thống Nga V. Putin tỏ ra tức giận và ông nói: “Dường như, một khi đã nghi ngờ thì người ta cố tìm mọi cách quy chụp nó phải như thế. Nga đã cung cấp các mẫu xét nghiệm lưu lại tại phòng xét nghiệm Nga cho WADA. Khi kiểm tra không gặp vấn đề gì thì họ lại nói Nga đánh tráo mẫu thử”.
Riêng áng mây doping kéo dài nhiều năm qua bây giờ nó đã ảnh hưởng đến bóng đá Nga, cụ thể là đội tuyển quốc gia. Khi Nga chuẩn bị World Cup 2018, các cơ quan cũng đã đề xuất tước quyền đăng cai World Cup của Nga. Song thời điểm đó đã cận kề, mặt khác Chủ tịch FIFA Gianni Infantino can thiệp mạnh rằng bóng đá Nga không dính đến nghi án thì không thể trừng phạt.
Các VĐV Nga tham dự Olympic 2020 dưới ngọn cờ trung lập, tức cờ Olympic.
Cũng cần nói thêm về mặt quản lý FIFA cũng phải trực thuộc IOC nhưng FIFA không chịu tác động bởi tổ chức này mà nhiều thập niên qua, IOC gọi FIFA là “đứa con bất trị”.
Áng mây doping Nga bị vỡ ra từ Olympic mùa Đông Sochi năm 2014 vì những hoài nghi nhân viên xét nghiệm của Nga đánh tráo mẫu, dùng chất đặc vô hiệu hóa các mẫu xét nghiệm.
Vấn đề cốt lõi cũng nằm ở chỗ sự khác biệt, RUSADA ở Nga là do nhà nước quản lý. Trong khi đó, các phòng xét nghiệm doping của nước khác là đơn vị trung lập, không chịu tác động bởi chính phủ. Nó được IOC và các tổ chức liên quan cho phép thành lập.