Tuy nhiên, phía Nga cũng cho rằng vấn đề cần phải được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải là một tuyên bố đơn phương về độc lập.
Theo kết quả sơ bộ của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 25-9, hơn 90% người Kurd có tham gia bỏ phiếu ở Iraq đã ủng hộ thành lập quốc gia độc lập. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc bỏ phiếu này có thể càng khiến khu vực Trung Đông vốn đã không ổn định lại càng thêm bất ổn. “Nga tin rằng điều quan trọng nhất là tránh bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp hay gây bất ổn hơn đối với khu vực Trung Đông, vì nơi này đã bị quá tải bởi các vụ xung đột” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Moscow cũng cho biết nước này tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và các quốc gia Trung Đông khác. Moscow đề xuất giải quyết xung đột về mong muốn độc lập của người Kurd ở Iraq bằng các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng, với mục đích tìm kiếm giải pháp để các bên chung sống hòa thuận trong một nhà nước Iraq thống nhất.
Chính quyền Baghdad cho rằng cuộc bỏ phiếu này trái với hiến pháp, đặc biệt là khi nó được tổ chức không chỉ ở khu vực của người Kurd ở miền Bắc Iraq mà còn trên các vùng lãnh thổ tranh chấp khác ở Iraq. Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi ngày 27-9 ra tối hậu thư yêu cầu Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) đến 15 giờ (giờ địa phương) ngày 29-9 phải trao lại toàn quyền kiểm soát các sân bay, bàn giao lại biên giới cho chính phủ, nếu không sẽ bị tăng cường cấm vận. Chính phủ Iraq cũng sẽ yêu cầu các nước láng giềng đóng cửa biên giới với phía Bắc Iraq nếu yêu cầu trên không được thực hiện.
Theo ông Abadi, các chuyến bay nội địa sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các sân bay Erbil và Sulaimaniya, nằm trong lãnh thổ KRG kiểm soát, sẽ được định tuyến lại thông qua sân bay ở thủ đô Baghdad và các sân bay khác của Iraq. Thủ tướng Abadi cũng cho hay các chuyến bay cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp sẽ được miễn trừ với điều kiện là các chuyến bay này được chính quyền Baghdad chấp thuận từ trước.