Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trên đài Channel One ngày 20-12 rằng nếu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa ở châu Âu sau khi xé bỏ Hiệp ước INF, Nga sẽ phải đặt toàn bộ hệ thống này trong tầm ngắm.
“Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) sẽ cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại châu Âu, giống như thời Chiến tranh Lạnh. Sự xuất hiện những hệ thống này và tiềm năng trở thành mối đe dọa với Nga, buộc Nga phải đặt toàn bộ hệ thống tên lửa Mỹ trong tầm ngắm để tạo thế cân bằng” - ông Peskov nói.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp báo thường niên ngày 20-12 đã cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang và nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Tổng thống Putin khẳng định Moscow không muốn chạy đua vũ trang, không tìm cách chiếm lợi thế, mà chỉ đang cố duy trì cân bằng hợp lý, theo hãng tin TASS.
Nhà lãnh đạo Nga cho hay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) – hiệp ước đặt nền tảng cho việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, Nga buộc phải đáp trả bằng việc sản xuất hệ thống vũ khí mới có khả năng tấn công các hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo.
Ông Putin lưu ý, Mỹ đã sẵn sàng đi thêm một bước mới khi quyết định rút khỏi Hiệp ước INF.
“Thật khó để hình dung tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Và việc chúng ta phải làm là gì nếu các tên lửa này xuất hiện ở châu Âu? Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải bảo đảm an ninh nước mình, thực hiện một số hành động, để họ không nghĩ rằng chúng ta đang chiếm lợi thế” - ông Putin nói.
Thượng tướng Sergei Karakayev - Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga vài ngày trước đã cảnh báo rằng các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ở châu Âu đều nằm trong tầm tấn công hiệu quả của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần chỉ trích Mỹ vi phạm các cam kết thể hiện trong INF khi triển khai hệ thống Aegis Ashore ở Đông Âu. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng chính Nga mới là bên vi phạm thỏa thuận này và Washington đã xác nhận với Moscow quyết định sẽ rút khỏi Hiệp ước INF.
INF được Liên Xô và Mỹ ký kết vào tháng 12-1987 và có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Hiệp ước cấm triển khai các tên lửa mặt đất tầm trung có phạm vi hoạt động từ 1.000 đến 5.000 km và tầm ngắn có phạm vi hoạt động từ 500 km đến 1.000 km.