Ngày 16-5, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã có phát ngôn so sánh về "tham vọng NATO" (khối an ninh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) của Phần Lan, Thụy Điển, và Ukraine, theo đài RT.
Theo ông Peskov, đối với Nga, tham vọng gia nhập NATO của Ukraine “đáng quan tâm” hơn của Phần Lan và Thụy Điển.
“Chúng tôi không có tranh chấp lãnh thổ với Phần Lan hay Thụy Điển. Ukraine có thể có khả năng trở thành một thành viên của NATO, và trong trường hợp này, Nga sẽ có tranh chấp lãnh thổ với thành viên liên minh. Điều này sẽ mang lại rủi ro lớn cho toàn lục địa” - ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine để đảm bảo rằng Ukraine là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov. Ảnh: TASS |
Ông nói thêm rằng Moscow vẫn đang quan sát một cách kỹ lưỡng chiến dịch mở rộng của NATO để đánh giá tác động của nó đối với an ninh quốc gia của Nga.
“Chúng tôi không nghĩ rằng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ củng cố và cải thiện cấu trúc an ninh trên lục địa của chúng tôi” - ông nói.
Thụy Điển và Phần Lan đã không tham gia vào NATO trong Chiến tranh Lạnh, nhưng họ hiện tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến họ thay đổi quan điểm.
Tại Mỹ, Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell hôm 16-5 cho biết Mỹ có thể phê duyệt các đơn xin gia nhập NATO của chính quyền Stockholm và Helsinki “trước tháng 8”, đồng thời nói thêm rằng 29 thành viên khác của liên minh có thể phê duyệt trong thời gian sớm hơn.
Theo RT, để gia nhập liên minh, Thụy Điển và Phần Lan cần phải được toàn bộ thành viên NATO chấp thuận.
Áo tuyên bố không tham gia NATO, duy trì trung lập
Ngày 16-5, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nhấn mạnh Áo không phải là thành viên NATO và cũng không có kế hoạch trở thành thành viên của khối này, theo RT.
Khi được hỏi về lập trường của mình đối với “tham vọng NATO” của Thụy Điển và Phần Lan, ông Schallenberg cho biết “hoàn toàn tôn trọng” các quyết định của Helsinki và Stockholm, song nói thêm rằng đó “là quyết định của họ chứ không phải của chúng tôi”. “Áo sẽ tiếp tục là một quốc gia trung lập” - ông Scgallenberg khẳng định.