Nga thông báo đang đàm phán thỏa thuận quân sự với Philippines

Nga đang xúc tiến việc tăng cường hoạt động huấn luyện quân sự và trang bị quốc phòng cho Philippines sau khi Manila tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận quân sự với Washington, báo South China Morning Post đưa tin.

Ngày 12-2, ông Denis Karanin - Thư ký thứ hai của Đại sứ quán Nga tại Manila cho biết các quan chức Nga và Philippines đang thảo luận về một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước.

Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Tổng thống Philippines - ông Salvador Panelo tuyên bố Tổng thống Rodrigo Duterte đã chính thức thông qua việc chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) ký với Mỹ năm 1998. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chống ngầm Đô đốc Tributs của Nga đến thăm thủ đô Manila ngày 6-1-2017. Ảnh: REUTERS

Thông báo với phóng viên trong một cuộc họp báo do Văn phòng Hoạt động Truyền thông của Tổng thống Philippines tổ chức, ông Karanin cho biết “một bên đã đưa ra bản dự thảo và đã có bản dự thảo của bên còn lại”. Ông cũng lạc quan rằng quá trình đàm phán “đã bước vào giai đoạn cuối cùng”.

Ông mô tả thỏa thuận sẽ tạo ra “nền tảng cơ bản” và “khuôn khổ” cho mối quan hệ đối tác giữa hai nước và sẽ “giúp cho tất cả các dự án kỹ thuật quân sự trở nên dễ dàng hơn”.

Về một số nội dung cụ thể trong thỏa thuận, ông Karanin “lạc quan” về khả năng công ty quốc phòng Nga Kalashnikov có thể xây dựng một nhà máy lắp ráp vũ khí ở Philippines. Còn về khả năng Nga có một căn cứ hậu cần hải quân ở quốc gia Đông Nam Á này, ông cho biết “đến hiện tại vẫn chưa có tiến triển”.

Trước đó, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước đã diễn ra khi hai tàu chiến của Philippines là tàu BRP Davao del Sur và tàu BRP Tarlac đến thăm thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga hồi tháng 6-2019, ông Karani thông báo.

Tuy nhiên, theo ông Karanin, “còn nhiều chuyện cần làm tiếp theo” bởi vì “đây không chỉ là một dự án riêng lẻ”. Đặc biệt, Nga mong muốn và “hoàn toàn sẵn lòng chia sẻ một số công nghệ của mình” với đối tác Philippines chứ không chỉ riêng hợp tác trong lĩnh vực quân sự.

Ông Karanin cho biết công ty an ninh mạng Bizon của nước này “đã ký hợp đồng với một số cơ quan chính phủ Philippines để tăng cường năng lực an ninh mạng”. Trong khi đó, nhà cung cấp các giải pháp an ninh mạng Kaspersky Lab cũng muốn hiện diện lâu dài ở Philippines.

Theo ông Chester Cabalza - một chuyên gia an ninh của Philippines, động thái này của Tổng thống Duterte nhằm “củng cố chính sách ngoại giao độc lập táo bạo hơn trước khi ông rời nhiệm sở sau hai năm nữa, bằng việc đa dạng quan hệ đối tác chiến lược của Philippines với các đồng minh phi truyền thống”.

“Trụ cột đối với Nga là sự kết hợp giữa an ninh kinh tế và quan hệ quân sự vì cường quốc này được coi là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc”, ông Cabalza nói. Ông còn nhắc đến việc “Nga cũng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines chống lại tham vọng của Bắc Kinh”. 

Lực lượng Mỹ-Philippines diễn tập đổ bộ bờ biển tại tỉnh Zambales (Philippines) hồi tháng 10-2018. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, chuyên gia lịch sử quân sự Jose Antonio Custodio lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng Nga sẽ trở thành rào cản chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc: “Nga sẽ không hành động thay mặt cho Philippines ở biển Đông và trong các vấn đề với Trung Quốc”.

“Khi xét đến quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Nga đứng về cùng một phía với nhau”, do đó chuyên gia Custodio cho rằng ông Duterte đang “đùa với lửa” khi xích lại gần Moscow.

Thêm vào đó, động thái thắt chặt quan hệ Philippines-Nga diễn ra sau khi ông Duterte hủy bỏ thỏa thuận VFA với Washington. Việc này có thể “đẩy sự thất vọng của Mỹ lên cao tới mức có thể xem Philippines là người hỗ trợ cho một đối thủ lớn của Mỹ”.

“Hậu quả của việc bị xem như một công cụ của Nga có thể phải trả giá bằng các lệnh trừng phạt và việc Washington rút các khoản hỗ trợ cho Manila” - ông Custodio cảnh báo.

Sau thông báo ngày 11-2 của ông Duterte, phía Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đối thoại để nối lại và duy trì VFA.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, quân sự Clarke Cooper cho biết hai bên vẫn đang trao đổi với nhau về thỏa thuận này, nhất là xét đến lợi ích của nó đối với tự do hàng hải trên biển Đông.

Trước đó - vào ngày 10-2, ông Cooper đã cảnh báo Mỹ có thể trừng phạt các đồng minh tiến hành mua bán vũ khí với các quốc gia mà Washington cho là có khả năng đe dọa đến hệ thống quốc phòng của Mỹ, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc.

Ông cũng nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt này sẽ được áp dụng mà “không có ngoại lệ và cũng không có phân biệt nào trong đối tượng áp dụng”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm