Nga và Trung Quốc đối mặt với sự phản ứng dữ dội sau khi phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi ngừng bắn ở tỉnh Idlib, Syria.
Theo hãng tin RT, Nga và Trung Quốc đã chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi ngừng bắn ở tỉnh Idlib vì cho rằng nghị quyết không cung cấp miễn trừ cho hành động quân sự nhằm vào các nhóm khủng bố mà chính LHQ đã liệt vào danh sách đen.
Nhân viên cứu hộ đi qua đống đổ nát ở Idlib sau một cuộc không kích hồi tháng 7. Ảnh: REUTERS
Đây là lần thứ 13 Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an LHQ kể từ khi xung đột ở Syria nổ ra năm 2011 và là lần thứ bảy Trung Quốc dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Nghị quyết này do Kuwait, Bỉ và Đức soạn thảo, kêu gọi ngừng bắn ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria vào giữa trưa 21-9 và chấm dứt chiến dịch ném bom trên không đã và đang giết chết dân thường, nhân viên y tế và phá hủy các bệnh viện.
Bỏ phiếu phủ quyết đối với tài liệu của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng nội dung của nghị quyết không bao gồm cung cấp miễn trừ cho các chiến dịch quân sự nhằm vào các nhóm khủng bố cực đoan mà chính LHQ liệt vào danh sách đen.
Theo ông Nebenzia, mục đích thực sự của nghị quyết là “cứu các nhóm khủng bố quốc tế cố thủ ở Idlib khỏi sự tiêu diệt hoàn toàn và miêu tả Nga và chính phủ Syria là thủ phạm của những gì đang xảy ra ở đó”.
Phái đoàn Nga cảnh báo các tác giả của nghị quyết rằng nghị quyết dự thảo của họ chắc chắn thất bại nhưng họ vẫn đưa ra bỏ phiếu, “cố tình phá vỡ sự thống nhất của Hội đồng” - ông Nebenzia chỉ ra.
Sau đó, Nga và Trung Quốc cũng trình bày một nghị quyết khác do hai nước soạn thảo, yêu cầu một lệnh ngừng bắn ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, nghị quyết của Nga và Trung Quốc cũng không giành đủ phiếu ủng hộ với 12 quốc gia bỏ phiếu chống.
Các quốc gia phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga và lực lượng chính phủ Syria tấn công dân thường, xe cứu thương và bệnh viện trong cuộc tấn công tái chiếm tỉnh Idlib bắt đầu cuối tháng 4.
Moscow và Damascus phủ nhận, nói rằng họ không kích các tay súng, trong đó có Hay'et Tahrir al-Sham (trước đây gọi là Mặt trận al-Nusra và liên hệ Al-Qaeda) - nhóm kiểm soát phần lớn tây bắc Syria.
“Rải thảm bom”
Phát biểu với báo giới trước cuộc bỏ phiếu, đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere mô tả một “chiến dịch thực địa” ở Syria “tồi tệ hơn bao giờ hết”.
“Những ai phản đối việc tiếp cận nhân đạo đến với Syria, những ai hiện đang rải thảm bom ở Idlib sẽ phải chịu trách nhiệm. Những ai đang làm điều đó sẽ phải trả tiền cho việc tái thiết. Chúng tôi hành động trên nguyên tắc "bạn phá vỡ nó, bạn nợ nó’” - ông de Riviere nói.
Một binh sĩ của chính phủ Syria ngồi trên xe tăng. Ảnh: SPUTNIK
Idlib là nơi sinh sống của 3 triệu người, một nửa trong số đó buộc di tản khỏi những khu vực do lực lượng chính phủ Syria chiếm đóng. Tỉnh chiến lược này giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ và nằm trên đường cao tốc chiến lược nối Damascus và Aleppo.
Ông Ursula Mueller, điều phối viên Viện Trợ khẩn cấp của LHQ cho hay trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, 400.000 người Syria đã bỏ nhà cửa ở tây bắc Syria, nơi có khoảng 600.000 người sống trong các lều trại và những nơi tạm bợ khác.
“Sau nhiều tháng chiến đấu ác liệt, tương lai ở tây bắc Syria vẫn vô định” - ông Mueller nói.
Vào ngày 30-9, một nhóm mới gồm ba thành viên của LHQ do Trung tướng Chikadibia Obiakor dẫn đầu sẽ bắt đầu điều tra các cuộc tấn công vào các bệnh viện và các địa điểm dân sự khác ở tây bắc Syria.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho hay ông đã mở cuộc điều tra sau các tuyên bố, đặc biệt là từ các nhóm nhân quyền và viện trợ, rằng các cơ sở dân thường đã bị tấn công sau khi họ chia sẻ tọa độ cho quân đội Syria và Nga.
Nga can thiệp quân sự vào khủng hoảng Syria hồi tháng 9-2015 để ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu hậu thuẫn một vài nhóm nổi dậy ở Idlib.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra bảo trợ một thỏa thuận giảm căng thẳng ở Idlib và có hiệu lực từ tháng 9-2018 nhưng trục trặc những tháng gần đây.