Nghi án hối lộ 80 triệu yen: Đã có bốn sếp đường sắt bị đình chỉ

Cụ thể, báo Dân trí ngày 24-3 cho biết hai Phó Tổng Giám đốc ĐSVN bị tạm đình chỉ công tác là ông Ngô Anh Tảo đang đảm đương chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường sắt của ĐSVN và ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng Giám đốc đã từng có thời gian phụ trách Ban Quản lý này.

Quyết định đình chỉ của ĐSVN đối với ông Tảo và ông Đông bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (24/3), thời hạn đình chỉ tạm dừng công tác kéo dài trong vòng 10 ngày. Trong thời gian này, 2 vị Phó Tổng Giám đốc nói trên sẽ phải làm báo cáo giải trình trách nhiệm cá nhân về thời gian công tác và đảm đương chức vụ liên quan đến Dự án đường sắt đô thị số 1.

 Một trong những cây cầu được nâng cấp thuộc dự án khôi phục 44 cầu đường sắt có sự tham gia của JTC 

Theo Vietnam +, cũng trong ngày hôm nay (24/3), Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa ra quyết định tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đối với ông Trần Văn Lục để giải trình vụ nghi vấn nhận hối lộ 80 triệu yen.

Quyết định số 76/QĐ -CĐSVN do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng ký vào ngày hôm nay đối với ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam bị tạm dừng điều hành công việc trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 24/3 đến ngày 7/4.

Ông Lục trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt của Cục Đường sắt Việt Nam đã giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Đường sắt Việt Nam. Việc đình chỉ chức vụ này nhằm mục đích làm rõ những khả năng có liên quan đến nghi án hối lộ mà JTC tố giác.

Theo đó, ông Lục sẽ phải giải trình rõ trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Đường sắt Việt Nam do có liên quan đến nhà thầu tư vấn thực hiện gói thầu “Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I”.

Trước đi được điều động bổ nhiệm sang ban này, ông Lục là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Được biết, trong chiều nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông có buổi làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội về vụ việc nói trên.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn chiều 23/3 do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì, nhiều cán bộ của thuộc ĐSVN một mực khẳng định không liên quan đến nghi án hối lộ mà JTC nêu ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc đương nhiệm Ban Quản lý các dự án đường sắt vẫn bị đình chỉ công tác 15 ngày để điều tra.

Như vậy, đã có bốn quan chức cấp cao của ngành đường sắt bị đình chỉ công tác. Đây được xem là hành động khẩn trương và kiên quyết của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong việc điều tra, xử lý nghi án hối hộ mà Công ty Tư vấn giám sát GTVT Nhật Bản (JTC) đã khai ra.

Trong khi đó, tờ Vnexpress ngày 24-3 cũng cho hay một thông tin đáng lưu ý liên quan đến nghi án hối lộ này. Theo tờ này, gói thầu đường sắt do công ty Nhật tư vấn đội giá gần 40%. Liên danh nhà thầu JTC - đơn vị dính nghi án hối lộ quan chức Việt Nam đã trúng thầu dự án với mức giá gần 900 tỷ đồng, sau hai năm được điều chỉnh lên hơn 1.226 tỷ đồng.

Thông cáo phát đi tối 23/3 của Bộ Giao thông Vận tải khẳng định Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hiện là nhà thầu dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), vốn vay ODA của Nhật Bản. Lãnh đạo JTC cuối tuần qua thừa nhận đã hối lộ 80 triệu yen để được trúng thầu dự án đường sắt tại Việt Nam.

Sau hơn hai năm triển khai, giá trị hợp đồng tư vấn ký giữa liên danh nhà thầu do JTC đứng đầu đã tăng đáng kể. Dự án đường sắt đô thị số 1 (hay còn gọi là đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên) doTổng Công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, bắt đầu từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2017. Dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay JICA (ODA Nhật Bản) với tổng giá trị hơn 21 tỷ yen. Đến nay, phần tư vấn đã hoàn thành công đoạn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2A.

Công ty tư vấn JTC đã trúng thầu gói tư vấn trị giá hơn 2,9 tỷ yen và 320 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án và liên danh tư vấn ký hợp đồng ngày 9/9/2009, thời gian thực hiện từ 1/10/2009 đến 30/11/2011. Quy theo tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng (1 yen tương đương 199,79 đồng theo tỷ giá bán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam), tổng giá trị gói thầu vào khoảng 900 tỷ đồng

Sau thời gian thực hiện từ 1/10/2009 đến 30/11/2011, Ban quản lý dự án cho biết một số hạng mục đã phát sinh hoặc thay đổi (tăng diện tích, số lượng công trình, điều chỉnh vị trí các nhà ga, thay đổi vị trí cầu vượt sông Hồng theo khuyến nghị từ kết quả nghiên cứu của JICA).Vì vậy, tổng giá trị hợp đồng tư vấn được điều chỉnh lên hơn 3,6 tỷ yen và 236 tỷ đồng. Thời gian thực hiện kéo dài thêm 11 tháng, đến ngày 31/10/2012. Quy theo tỷ giá ngày 30/11/2011 (mỗi yen tương đương 268,18 đồng),giá trị hợp đồng sau điều chỉnh lên đến hơn 1.226 tỷ đồng.

PV (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.