Hôm 20-8 (giờ địa phương), một nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đã đề xuất một dự luật nhằm thay đổi cách chính phủ liên bang gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo đó, dự luật này sẽ loại bỏ việc sử dụng chức danh “chủ tịch nước” đối với người đứng đầu Trung Quốc, tờ South China Morning Post đưa tin.
Dự luật đề xuất cấm sử dụng quỹ liên bang để “tạo hoặc phổ biến” bất kỳ tài liệu nào gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “chủ tịch nước”.
Không gọi ông Tập là "chủ tịch nước" nữa?
Dự luật được đưa ra khi nhiều quan chức nội các hàng đầu trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bắt đầu từ bỏ chức danh "chủ tịch nước" và chuyển sang sử dụng chức danh "tổng bí thư" khi nói về người đứng đầu nhà nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình.
Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Thường thì công dân các nước nói tiếng Anh, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump thường chọn từ "chủ tịch nước" để gọi người đứng đầu Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng 5, việc gọi ông Tập bằng chức danh đảng của ông là cách tiếp cận chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nắm giữ ba chức danh chính thức của Trung Quốc gồm: Chủ tịch nước (nguyên thủ quốc gia), Chủ tịch Quân ủy trung ương và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nếu dự luật do nghị sĩ Mỹ đề xuất được thông qua, các tài liệu chính thức của chính phủ Mỹ sẽ phải ghi chức danh ông Tập theo vai trò của ông là “người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Trump hiện chưa thông qua dự luật này, mặc dù ông đã ngừng coi ông Tập là “bạn” khi quan hệ giữa hai nước bắt đầu trở nên tồi tệ.
Nghị sĩ Mỹ nào đề xuất thôi gọi ông Tập là "chủ tịch nước"?
Người đưa ra dư luật này là ông Scott Perry - nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện bang Pennsylvania.
Ông Perry đưa ra đề xuất này trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang nỗ lực gia tăng chỉ trích chính phủ Trung Quốc, động thái theo hãng tin Politico là một cách đánh lạc hướng cử tri sau những thất bại trong việc xử lý đại dịch COVID-19 của chính quyền ông Trump.
Những tháng gần đây, ông Perry đã đưa ra một loạt các dự luật cứng rắn và "khó được thông qua" liên quan đến Trung Quốc.
Ngoài dự luật quy định gọi tên chức danh, ông còn đề xuất Mỹ cắt giảm tài trợ cho Liên Hợp Quốc cho đến khi cơ quan này trục xuất Trung Quốc và công nhận Đài Loan. Ông Perry cũng đề xuất dự luật cho phép Mỹ công nhận Hong Kong và Tây Tạng là các quốc gia độc lập với Trung Quốc.
Những dự luật này không nhận được sự ủng hộ cần thiết để được thông qua. Dù thế các đề xuất của ông Pery đã thu hút sự ủng hộ của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm ông Ted Yoho - người đại diện bang Florida, một người nổi tiếng tại quốc hội Mỹ trong xử lý các vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được sự ủng hộ, các dự luật này phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong vài tháng còn lại, khi mà mọi sự chú ý của kỳ họp quốc hội sắp tới đều đổ dồn vào cách xử lý đại dịch và cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3-11.