Ngoại trưởng Mỹ thăm Đông Nam Á, đẩy mạnh làm ăn với khu vực

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du đầu tiên ở Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức - từ ngày 13 đến 16-12 với các điểm đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

“Tổng thống Biden cam kết nâng cao tầm tương tác giữa Mỹ và ASEAN lên mức độ chưa từng có, mở rộng sự tham gia và hợp tác chính thức thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng mới về khí hậu và môi trường, năng lượng, y tế, giao thông vận tải, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.” 
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương DANIEL KRITENBRINK

Đông Nam Á - khu vực chiến lược với Mỹ

Đông Nam Á là khu vực chiến lược, nơi chứng kiến sự cạnh tranh mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ). Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi Đông Nam Á là khu vực quan trọng đối với nỗ lực đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng của TQ, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, việc thiếu một cấu trúc chính thức để can dự kinh tế kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017 đã hạn chế khuếch trương ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đến khu vực, trong khi TQ không ngừng đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nước.

Nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ ông Biden, bao gồm nhà hoạch định chính sách Mỹ ở khu vực  Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD), ông Kurt Campbell, nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải cạnh tranh hiệu quả hơn với TQ về kinh tế ở Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong buổi lễ ký một biên bản ghi nhớ song phương tại Jakarta (Indonesia) ngày 14-12. Ảnh: AP

Giới quan sát đánh giá rằng chính phủ ông Biden đã thể hiện được sự nghiêm túc trong mong muốn tăng cường gắn kết với Đông Nam Á thông qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao đến khu vực này trong năm nay với việc ông Biden tham dự nhiều hội nghị khu vực và qua sự hợp tác an ninh lâu dài. Tuy nhiên, cũng theo nhà ngoại giao này, Mỹ chưa bắt kịp TQ về mảng hợp tác kinh tế với Đông Nam Á. Có thể nói TQ đang đi trước Mỹ trong “cuộc đua” này tới 20 năm.

Hiện Mỹ vẫn chưa làm rõ chính xác khung hợp tác kinh tế dự kiến với Đông Nam Á. Theo ông Matthew Goodman - chuyên gia kinh tế khu vực tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS - Mỹ), Mỹ cần đưa ra chiến lược kinh tế cụ thể để cho các đồng minh và đối tác thấy rằng Mỹ cam kết gắn kết kinh tế lâu dài với khu vực. Ông nhận xét những gì Mỹ đã thực hiện cho đến nay phần nào chuyển tải được cam kết này nhưng chưa đủ và Mỹ cần làm nhiều và cụ thể hơn nữa.

Tăng gắn kết kinh tế

Vì thế, hiện chính phủ Tổng thống Biden đang thực hiện nhiều nỗ lực gắn kết lại với khu vực sau thời gian các cam kết của Mỹ lỏng lẻo đi thời Tổng thống Trump. Reuters dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink cho rằng Mỹ sẽ theo đuổi mục tiêu tăng cam kết với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên mức “chưa từng có”.

Nội dung chính trong các cuộc gặp của ông Blinken ở ba nước Đông Nam Á sẽ tập trung vào các cam kết song phương. Song theo tạp chí Foreign Policy, mục tiêu chính của ông Blinken và Mỹ là cố gắng giành ảnh hưởng kinh tế tại khu vực trong bối cảnh đối thủ chiến lược TQ đang chiếm ưu thế hơn. Để đạt được mục tiêu này, ông Blinken sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác về kinh tế và an ninh với các nước khu vực.

Tại Jakarta ngày 14-12, ông Blinken có đề cập đến cam kết của Mỹ nhằm thiết lập một khuôn khổ kinh tế toàn diện khu vực  AĐD-TBD, trong đó có việc Mỹ tăng đầu tư nước ngoài vào khu vực, các công ty Mỹ tích cực hơn trong việc nhận diện cơ hội làm ăn ở các nước khu vực. Mỹ sẽ hành động để củng cố chuỗi cung ứng và thu ngắn khoảng cách hạ tầng, từ cảng biển, đường bộ cho tới lưới điện và Internet.

Một thông báo Nhà Trắng đưa ra hồi tháng 10 cho biết kế hoạch của Mỹ cho khuôn khổ kinh tế  AĐD-TBD tập trung vào “tạo thuận lợi thương mại, các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, phi carbon hóa và năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn lao động và các lĩnh vực cùng quan tâm”.

Các nội dung này nếu được hiện thực hóa sẽ là một sự thay đổi đáng hoan nghênh so với sự can dự truyền thống trước nay của Mỹ ở Đông Nam Á, vốn có xu hướng tập trung vào các mối quan hệ quân sự.

Không đơn giản

Trong bài viết trên Foreign Policy ngày 12-12, nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani - từng là đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - cho rằng tới giờ Mỹ mới nghĩ tới chuyện điều chỉnh chính sách kinh tế với Đông Nam Á có thể xem là trễ, khi quy mô nền kinh tế của 10 nước ASEAN cộng lại khả năng sẽ vượt nền kinh tế Nhật (hiện đứng thứ ba thế giới) vào năm 2030.

Theo Foreign Policy, quy mô thương mại của TQ ở Đông Nam Á đang ở mức gấp đôi Mỹ và Mỹ đang nỗ lực nhằm bắt kịp. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không đơn giản với Mỹ. Quan điểm của các nước ASEAN là không chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Thêm nữa, khả năng Mỹ tham gia lại TPP (hiện đã đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP11) chưa có gì rõ ràng, trong khi TQ đã nộp đơn đăng ký trở thành thành viên.

Theo nhiều nhà phân tích và ngoại giao, ông Blinken có thể sẽ tìm cách thu hút các quốc gia Đông Nam Á bằng cách nêu triển vọng đưa các công ty Mỹ chuyển địa điểm sản xuất khỏi TQ như một phần nỗ lực bảo vệ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu Mỹ sẵn sàng mở rộng thêm cửa thị trường nước mình cho các nước Đông Nam Á tiếp cận.•

Ông Blinken công bố chiến lược của Mỹ ở AĐD-TBD

Tại Jakarta ngày 14-12, Ngoại trưởng Blinken công bố chiến lược của Mỹ ở AĐD-TBD. Theo ông Blinken, các nước đều có trách nhiệm hành động để đảm bảo không có sự cưỡng ép hay đe dọa trong khu vực năng động nhất thế giới này. Mỹ, các đồng minh của Mỹ, các bên tranh chấp ở Biển Đông cần đẩy lùi mọi hành động bất hợp pháp ở khu vực.

Ông Blinken cho biết Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh hiệp ước như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và tình báo với các đối tác AĐD-TBD cũng như bảo vệ một môi trường mạng cởi mở và an ninh.

Ông khẳng định dù vậy, đây không phải là cuộc đua để khu vực chỉ chọn Mỹ hay chọn TQ. Bộ Ngoại giao TQ chưa bình luận về nội dung phát biểu của ông Blinken.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm