Ngày 14-12 tại Jakarta (Indonesia) ông Blinken có bài phát biểu về chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo hãng tin Reuters. Chiến lược của Mỹ đề cập đến các yếu tố an ninh, quân sự, và kinh tế.
Ông Blinken mô tả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất thế giới, và các nước đều có trách nhiệm hành động để đảm bảo không có sự cưỡng ép hay đe dọa trong khu vực này.
Mỹ, các đồng minh của Mỹ, các bên tranh chấp ở Biển Đông cần đẩy lùi mọi hành động bất hợp pháp ở khu vực.
"Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc mà chúng tôi đã cùng nhau xây dựng trong nhiều thập niên để đảm bảo khu vực vẫn cởi mở và dễ tiếp cận" – Reuters dẫn lời ông Blinken.
"Tôi xin nói rõ: Mục tiêu của việc bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ không phải là để giữ chân bất kỳ quốc gia nào. Thay vào đó, đó là bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia được lựa chọn con đường riêng của họ, không bị ép buộc và đe dọa" – theo ông Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về chiến lược của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tại Jakarta (Indonesia) ngày 14-12. Ảnh: REUTERS
Ông Blinken cho biết Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh hiệp ước như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và tình báo với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như bảo vệ một môi trường mạng cởi mở và an ninh.
Ông Blinken cũng đề cập đến cam kết của Mỹ nhằm thiết lập một khuôn khổ kinh tế khu vực toàn diện, trong đó có việc Mỹ tăng đầu tư nước ngoài vào khu vực, các công ty Mỹ tích cực hơn trong việc nhận diện cơ hội làm ăn ở các nước khu vực.
Cũng theo ông Blinken, Mỹ sẽ hành động để củng cố chuỗi cung ứng và thu ngắn khoảng cách hạ tầng, từ cảng biển cho tới đường bộ cho tới lưới điện, và internet.
Ông khẳng định, dù vậy, đây không phải là một cuộc đua để khu vực chỉ chọn Mỹ hay chọn Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về nội dung phát biểu của ông Blinken.
Ông Blinken đang có chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng Mỹ, nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ với khu vực sau một thời gian các cam kết của Mỹ đối với châu Á phần nào bị lỏng lẻo dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.