Gia đình ông Jalandhar Nayak là gia đình cuối cùng còn lại trong làng Gumsahi ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ. Tất cả cư dân khác của làng đã bỏ đi tìm nơi khác định cư, bởi vì ngôi làng này bị cô lập khỏi hệ thống đường bộ khu vực và thiếu một số điều kiện sống cơ bản.
Người đàn ông này làm việc tám tiếng/ngày trong suốt hai năm liền và đã sử dụng các dụng cụ thô sơ như búa, thanh đào, đục, để đào 8 km đường xuyên qua ngọn đồi cách ly làng của ông với khu vực xung quanh.
Ông Jalandhar Nayak đã dành hai năm đào 8 km đường hầm xuyên qua núi giúp các con tới trường thuận tiện hơn. Ảnh: THE GUARDIAN
Nói với kênh truyền hình Kalinga TV của Ấn Độ, ông Nayak cho biết kế hoạch của ông là dành thêm ba năm nữa để kéo dài con đường lên 15 km, nhằm kết nối con đường đi từ làng Gumsahi với một con đường dẫn đến thị trấn Phulbani gần đó. Thị trấn này là nơi ba người con của ông đang theo học và con đường hẹp hiện tại bọn trẻ đang đi để tới trường khá nguy hiểm.
“Các con tôi đi đến trường rất khó khăn qua những con đường hẹp và ngổn ngang đá. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy bọn trẻ trượt chân ngã vào vách đá. Tôi quyết định đào hầm xuyên qua núi để chúng đi học dễ dàng hơn” - ông Nayak nói.
Theo tờ Hindustan Times, nỗ lực giúp con tới trường của người đàn ông 45 tuổi này bắt đầu gây chú ý rộng rãi sau khi câu chuyện được một tờ báo địa phương của Ấn Độ đăng tải ngày 9-1. Một quỹ phát triển nông thôn của chính phủ Ấn Độ đã quyết định sẽ dành tặng phần thưởng đặc biệt cho ông Nayak.
Ông làm việc tám tiếng/ngày suốt hai năm liền. Ảnh: THE GUARDIAN
“Sự nỗ lực và quyết tâm cắt núi làm đường của ông Nayak đã thật sự chinh phục tôi. Ông ấy sẽ được nhận lương cho tất cả những ngày làm việc vừa qua” - ông Brundha D, quản lý quỹ, cho biết. Ngoài hỗ trợ tài chính, ông Nayak cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ để hoàn thành công việc xây dựng.
Truyền thông Ấn Độ trước đó cũng từng ca ngợi một “người đàn ông của núi” khác với nỗ lực cắt núi đào đường của mình. Ông Dashrath Manjhi đã dành 22 năm để đào một con đường xuyên qua ngọn đồi, rút ngắn quãng đường đi giữa ngôi làng của mình với một thị trấn gần đó.
Ông Manjhi quyết định dành toàn bộ cuộc đời còn lại của mình vào công việc đào hầm sau khi vợ của ông bị ngã và thiệt mạng trong lúc băng qua ngọn đồi để sang thị trấn bên kia trị bệnh. Nhờ những nỗ lực của ông, con đường nối ngôi làng và thị trấn đã được rút ngắn từ 55 km xuống còn 15 km.