Ngày 16-6, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam - Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện. Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT&KTS) phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Tân, để đưa hợp đồng điện tử trở thành một đòn bẩy quan trọng trong phát triển nền kinh tế nói chung, việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử. Các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử phải cấp đăng ký đúng quy định, đầu mối triển khai hoạt động này là Cục TMĐT&KTS.
Lễ công bố Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Cùng đó, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hoàn tất các quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp (DN). Giúp DN quản lý hiệu quả và giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường diều hành chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Tấn cũng đề nghị các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.
“Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) sau khi được cấp đăng ký, có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử” - Thứ trưởng Tân nói.
Thông tin từ Cục TMĐT&KTS, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các DN, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, Cục đã giao Trung tâm Tin học và Công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các DN hỗ trợ bên thứ ba như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế… có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Theo đó, dù không lưu trữ nội dung hợp đồng, với việc áp dụng một quy trình khép kín, sử dụng mã băm, kết hợp chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử sau khi được chứng thực sẽ có khả năng tra cứu, xác thực tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của chủ thể ký và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho nội dung hợp đồng.
“Như vậy, bên thứ ba sẽ không chủ động biết được nội dung hợp đồng điện tử đã ký. Nhưng khi bên thứ ba được cung cấp tài liệu hợp đồng điện tử đã được ký và chứng thực, thì việc tra cứu, xác minh giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử sẽ được thực hiện dễ dàng” - Cục này cho hay.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, chia sẻ, vừa qua Cục TMĐT&KTS đã hỗ trợ các DN tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký. Trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp.
Hiện Cục đang triển khai hỗ trợ các DN trong quá trình cấp đăng ký theo quy định. Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7, các đơn vị đầu tiên đảm bảo đủ các yêu tố vận hành dịch vụ sẽ được cấp đăng ký.