Người mù đi trước rước người đồng cảnh theo sau

“Lúc đi nhận học bổng, em mới quyết tâm là phải vào ĐH chứ trước kia em chưa hề nghĩ tới. Trường rộng, đi mãi không hết, các anh chị tình nguyện viên là sinh viên ĐH, ai cũng nhiệt tình, dễ thương” - Nguyễn Trí Tính kể về ấn tượng lần đầu tiên nhận học bổng của chương trình Ánh sáng và niềm tin tổ chức tại hội trường ĐH Bách khoa cách đây 12 năm.

Giờ Tính đã là thầy giáo hướng nghiệp và tư vấn tâm lý ở Mái ấm Nhật Hồng 1 (quận Thủ Đức) sau khi nhận tấm bằng cử nhân tâm lý học loại giỏi Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Dù nhiều ngả đường đón chào nhưng Tính chỉ muốn trở về cái nôi mình đã từng được cưu mang. Thời gian rảnh, anh kèm phụ đạo toán, hóa cho các em.

Đôi mắt của Tính không nhìn thấy rõ từ lúc còn nhỏ xíu, đi học trường làng ở một vùng quê nghèo ở Long Xuyên, An Giang đến lớp 5 thì hết lớp. Tính lo phải bỏ học lắm vì thấy các anh chị cùng cảnh không có ai được học lên cao mà phải đi mát xa, bán vé số kiếm sống. Nhờ cô chủ nhiệm giới thiệu, ba mẹ Tính lặn lội lên thành phố xin cho Tính vào mái ấm, mọi chi phí sinh hoạt mái ấm lo hết. Năm nào Tính cũng đạt thành tích tốt nên được chọn trao học bổng chương trình Ánh sáng và niềm tin mấy năm liền.

Thầy Nguyễn Trí Tính (giữa) đang kèm toán cho hai em khiếm thị ở Mái ấm Nhật Hồng 2. Ảnh: HOÀNG LAN

Hiện tại, Tính đang học Anh văn để ấp ủ dự định xin học bổng du học nước ngoài. “Khi nhận được học bổng, em cảm thấy bất ngờ và vinh dự lắm, sự quan tâm của mọi người đã là động lực thôi thúc em phải cố gắng học tập để không phụ tấm lòng của mọi người. Những lúc lười biếng học là em lại nghĩ đến sự tiếp sức của mọi người, em tự nhủ không được lơ là nữa” - Tính chia sẻ.

Sơ Nguyễn Thị Đức Dung, quản lý trẻ ở Mái ấm Nhật Hồng 2 (quận Bình Thạnh) cứ mỗi lần nhắc đến em Hoàng Vĩnh Tâm là lại xúc động. Tâm sinh ra ở Định Quán, Đồng Nai, trong một lần chơi với trái đạn còn sót lại thời chiến tranh đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt và năm đốt ngón tay. Ngày Tâm lên mái ấm xin học lên, thấy mái ấm không còn chỗ ngủ, em thỏ thẻ: “Sơ nhận con đi, cho con cái chiếu nằm ở gầm cầu thang cũng được”.

Ba năm liền Tâm luôn được nhận học bổng của chương trình. Tâm đã chứng minh mình tàn mà không phế bằng việc tốt nghiệp ngành ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM và đang du học ngành luật ở Malaysia.

Nguyễn Thị Như Bão, Phó Chủ nhiệm nhóm Những ước mơ xanh, nói rằng việc trao học bổng không chỉ là trao tận tay các em rồi thôi, mà chương trình muốn tổ chức một sân chơi để các em đến chơi và tự tin thể hiện mình trước đám đông. Mỗi suất học bổng không nhiều nhặn nhưng chương trình mong muốn cộng đồng sẽ quan tâm và hiểu về các em hơn, chia sẻ với hoạt động thầm lặng của những mái ấm này.

Ngày 17-4, chương trình văn nghệ và trao học bổng dành cho trẻ em khuyết tật Ánh sáng và niềm tin lần thứ 11 nhân kỷ niệm ngày Bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật Việt Nam (18-4) đã diễn ra tại Nhà hát Kịch Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Chương trình do nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh thực hiện. Người được trao học bổng chủ yếu là những em học sinh bị khiếm thị và khiếm thính, thiểu năng. Năm nay chương trình dự kiến trao 110 suất học bổng cho 11 mái ấm, chương trình có hơn 50 bạn tình nguyện viên tham gia hỗ trợ. Trước đó, 1.000 suất học bổng, mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng cũng đã được trao.

______________________________

Ngày xưa nhóm Những ước mơ xanh thường quy tụ các sinh viên, tình nguyện viên để tổ chức các hoạt động vui chơi cho các trẻ em kém may mắn. Trong lúc tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, chúng tôi quan sát thấy những em khiếm thị, khiếm thính vẫn lạc quan yêu đời và khao khát học tập vươn lên nhưng cơ hội học tập thường thấp hơn những đứa trẻ khác. Vì thế, học bổng của chúng tôi tập trung vào các em.

Anh LÊ TRUNG HẢI, Chủ nhiệm nhóm Những ước mơ xanh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới