Dù đói lạnh nhưng họ vẫn không hôi của. Nhiều người đi ngang qua một căn nhà hoang có hàng triệu yen (hơn 250 triệu đồng VN) trôi ra mà không ai thèm nhặt. Họ bình tĩnh xếp hàng rồng rắn chờ nhận đồ cứu trợ. Tại sao người Nhật vẫn giữ được tư cách trong thảm họa?
Trước hết, Nhật là một nước giàu. Người dân tin tưởng họ sẽ không thiếu lương thực, hàng hóa, thiếu đói chỉ là tạm thời do đường sá bị hư hại, hàng cứu trợ chưa đến kịp, trước sau gì cũng có.
Thứ hai, người Nhật tin ở những người thi hành công vụ, các tổ chức dân sự, những người làm công tác thiện nguyện luôn làm việc công bằng, chính trực, giỏi về tổ chức, có kinh nghiệm. Những người này sẽ sắp xếp công việc, điều động lực lượng và hàng hóa cứu trợ, trước sau gì khó khăn sẽ qua.
Thứ ba, người Nhật tin vào chính phủ. Ngay sau thảm họa, Thủ tướng và các vị lãnh đạo đã lên tiếng trấn an, nhận trách nhiệm và tìm mọi cách giải quyết. Chính phủ của họ từ xưa đến nay nhìn chung đã hứa là làm và làm được, còn không làm được thì từ chức, thậm chí nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mổ bụng tự sát theo đúng phong cách võ sĩ đạo thời xưa chứ không tranh công đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm.
Thứ tư, chính phủ và ngành giáo dục Nhật biết cách tổ chức một nền giáo dục đào tạo được kiến thức thực học và tư cách con người từ sự hấp thu văn hóa Đông-Tây và truyền thống dân tộc.
Cách hành xử của người Nhật dường như có một phần quan niệm về công bằng xã hội, tư cách công dân của đạo đức phương Tây, một phần đạo đức công chính, lễ nghĩa liêm sỉ của Nho giáo, một phần chữ nhẫn, hỉ xả của Phật giáo và một phần của lòng cao thượng theo kiểu võ sĩ đạo… Câu chuyện về thái độ của người Nhật cho thấy: Giáo dục người dân thành một cộng đồng có học vấn và tư cách là công việc rất khó khăn và lâu dài.
ĐOÀN LÊ GIANG (Trường ĐH KHXH và Nhân văn TP.HCM)