Chàng kỹ sư 24 tuổi Han Rui sống cùng người yêu và các đồng nghiệp trong nhà tập thể. Chàng và nàng nằm chung trên chiếc giường một. Vách ngăn thì mỏng.
Vì thế, đối với Han, việc mua nhà riêng không chỉ là ý muốn, mà là nhu cầu khẩn thiết.
Anh đang tích cóp quyết liệt để tìm mua một chỗ ở, mỗi tháng anh để ra một nửa số tiền lương. Nhưng giá cả những căn hộ ở Thượng Hải vượt xa tầm tiền của Han. Một căn hộ hai phòng ngủ có giá gấp 30 lần mức lương cả năm.
![]() |
Han Rui cất đi nửa tiền lương mỗi tháng để tích cóp mua nhà. Ảnh: BBC. |
Báo cáo mới đây của Viện Xã hội học Trung Quốc cho biết giá nhà đất tăng như tên lửa là nguyên nhân chính gây cản trở sự phát triển lành mạnh. Đối với nhiều người sống ở các thành phố, việc mua được một căn hộ trở thành một giấc mơ ngày càng xa vời.
Tại Thượng Hải, giá nhà tăng 14% trong năm 2008 và mức tương tự trong năm 2009.
Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra những biện pháp khẩn cấp mong hạ nhiệt cơn sốt bất động sản, nhưng giới quan sát cho rằng giá nhà đất ở các thành phố lớn khó có thể giảm trong năm nay.
Các biện pháp mới được tung ra tuần vừa rồi gồm hạn chế cho vay cầm cố, tăng cung đất đai và ngăn chặn việc các công ty địa ốc đầu cơ căn hộ để tăng giá.
Tuy thế, theo một nhân viên môi giới địa ốc tên là Wang Yong ở Thượng Hải, mức giá cao không khiến một số người có tiền ngán ngại.
"Tôi đã bán 7 căn hộ chỉ trong một tháng qua", anh nói trong lúc đưa khách hàng tiềm năng đi xem một món bất động sản. "Giờ là lúc tốt nhất để mua. Phân tích thị trường của chúng tôi cho thấy là giá sẽ tiếp tục tăng".
Một phụ nữ tên là Pan Feng vừa mua một mảnh đất mới. Gia đình cô tài trợ một số tiền, nên cô không phải đi vay ngân hàng và thế chấp. Cô tin chắc rằng với nhu cầu về nhà ở ở Thượng Hải cao như thế, cô sẽ không bao giờ lỗ. "Cầu về nhà ở cao hơn cng rất nhiều, điều đó đảm bảo món đầu tư của tôi", cô nói.
"Chỉ khi nào chính phủ đảm bảo cho mỗi người có một chỗ ở, giá mới xuống. Chắc là 10 hay 20 năm nữa", Pan nói. "Nếu cả anh và tôi đều muốn mua, làm sao giá xuống?".
Với nhiều người đang ở tạm như Han Rui, nếu anh mất việc thì cũng mất luôn chỗ ở. Han muốn lấy vợ trong vòng ba năm tới, vì thế anh nhất thiết phải có nhà.
"Tôi là người theo truyền thống", Han nói. "Tôi thấy rằng nếu kết hôn, tôi phải có một căn hộ của riêng mình. Nếu không, hôn nhân không còn ý nghĩa, bởi như thế anh đã không mang lại được cảm giác vững tâm cho vợ mình".
"Thực ra, bố mẹ của người yêu tôi chắc cũng chẳng cho cưới nếu tôi không có nhà", Han nói thêm.
Đấy là lý do khiến thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ không chuyển ngay từ nóng sang lạnh như nhiều người lo ngại. Nhu cầu vẫn rất cao.
Han Rui, từ Hồ Bắc đến Thượng Hải tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, vẫn tin rằng chính phủ sẽ tìm ra được một giải pháp nào đó để hạ nhiệt thị trường, khiến cho giá nhà cửa vừa với túi tiền của người mua.
Han không biết từ nay đến lúc đó là bao lâu, nhưng anh vẫn chắc chắn rằng một ngày kia anh sẽ có nhà của riêng mình.
Theo Mai Trang ( VNE)