Người Việt chi xài ra sao sau thời gian giãn cách?

Báo cáo mới nhất từ Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos về “Hành vi người tiêu dùng Việt Nam sau thời gian giãn cách xã hội ” và tại Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Thái Lan có nhiều thông tin khá thú vị.

Theo đó, mặc dù có 30% người tiêu dùng được hỏi họ nghĩ dịch COVID-19 đã qua. Tuy nhiên, vẫn có một lượng lớn người còn lo lắng về nguy cơ bản thân họ có thể bị lây nhiễm COVID-19.

Cụ thể có đến 86% người Việt Nam cho biết mình có lo lắng. Tỷ lệ này khá giống với tỷ lệ ở Malaysia và Philippines. Mức độ lo lắng ở Thái Lan và Indonesia là thấp hơn, trong khi ở Singapore là cao nhất.

Bên cạnh đó, khi nói về tình hình kinh tế cá nhân, người Việt nói chung khá lạc quan mặc dù những người có thu nhập thấp hơn cảm thấy không chắc là tình hình sẽ tốt hơn trong sáu tháng tới. 

Người tiêu dùng cắt giảm những khoản không cần thiết để tập trung vào các nhu yếu phẩm  

Kết quả có đến 90% người Việt cho rằng COVID-19 ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, chỉ có 1/10 nói rằng gia đình họ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính.

Các hộ gia đình trong nhóm thu nhập thấp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, 17% trong số họ phải chịu cắt giảm tài chính hơn 50%.

Mặc dù bức tranh chung là lạc quan nhưng cũng có 30% người tiêu dùng chưa nghĩ là thu nhập sẽ được cải thiện. Do đó, họ có thể chưa quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước khi có COVID-19.

Theo đại diện Công ty Ipsos, người Việt vẫn có những lo lắng nhất định, cho thấy đến cuối năm nay có khoảng 23% người Việt vẫn chưa có dự định tham gia trở lại các hoạt động tại nơi công cộng, nơi đông người.

Trong đó, du lịch nước ngoài sẽ là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đến 68% người Việt sẽ không du lịch ra nước ngoài trong năm nay.

Mặc dù vậy, kể cả khi quay lại với các hoạt động trước đây vẫn có ¾ người tiêu dùng sẽ giảm tần suất của các hoạt động đó, ví dụ như các hoạt động mua sắm và giải trí. Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau từ các mặt hàng tiêu dùng cho đến các hoạt động du lịch trong và ngoài nước.

Phần lớn người tiêu dùng bị giảm thu nhập đáng kể bởi ảnh hưởng COVID-19 nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến việc chi tiêu cho nhiều sản phẩm khác nhau. Họ đã chuyển hướng qua những lựa chọn một cách cân nhắc hơn, giảm hẳn những khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung vào các nhu yếu phẩm. 

Qua đó, có thể thấy hành vi của người tiêu dùng đã và đang thay đổi theo hướng có thể sẽ mang đến những ảnh hưởng về mặt dài hạn thay vì chỉ là những giải pháp tạm thời đề ứng phó với khủng hoảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm