Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ) và vùng tương tự của Nhật Bản (đường nét liền màu xanh). Ảnh đồ họa: EIA/CDM
Chính sách chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc và quyết tâm của Nhật Bản khiến khả năng xung đột quân sự giữa hai nước gia tăng, mà "dây dẫn nổ" rất có thể chỉ là bởi một vụ việc va chạm ngoài ý muốn.
"Kịch bản xung đột trên hoàn toàn có thể diễn ra, bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết", ông Jonathan Marcus, phóng viên thời sự của BBC, bình luận.
Vào tháng 3/2012, số lần Nhật Bản điều động chiến đấu cơ nhằm ngăn chặn máy bay của Trung Quốc xâm nhập vào không phận vùng tranh chấp đạt mức kỷ lục. Hai nước liên tục tiến hành diễn tập quân sự với nội dung phòng vệ biển đảo từ xa.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, tần suất tàu Trung Quốc tiến vào lãnh hải hoặc khu vực tiếp giáp của họ đạt mức 20-24 lần mỗi ngày vào giữa năm nay.
Việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ có thể khiến quan hệ song phương vốn đã căng thẳng, càng thêm phần bất ổn với nguy cơ xung đột vũ trang cục bộ cao, mà hệ quả là sự can thiệp quân sự của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp, nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu khu vực này bị tấn công.
Lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa trong những năm gần đây, nhưng quân đội nước này vẫn có thể rơi vào thế bất lợi trong một cuộc xung đột cục bộ với Nhật Bản, vốn được trang bị tiên tiến hơn.
"Câu hỏi cần đặt ra không phải là tương quan lực lượng Nhật - Trung cách biệt ra sao, mà là đôi bên cần làm gì để phòng tránh và quản lý nguy cơ xung đột", ông Marcus nói.
Xung đột Mỹ - Trung là mối lo chính
Mỹ có khả năng điều tàu sân bay đến biển Hoa Đông một khi xung đột Trung - Nhật leo thang. Ảnh: US Navy
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ hồi đầu tháng này tổ chức một chương trình mô phỏng khả năng xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhằm mục đích đánh giá phản ứng của Mỹ trong tình huống này.
Kết quả cho thấy, Mỹ ban đầu rất e dè trước quyết định nên hay không nên điều động quân đội can thiệp vào mâu thuẫn càng lúc càng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc khởi động hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa và điều quân đội đến khu vực quần đảo tranh chấp, Washington có thể sẽ điều hai đội tàu sân bay đến biển Hoa Đông.
Mặc dù chương trình trên của CSIS chỉ mang tính mô phỏng, chuyên gia chiến lược Robert Haddick cho rằng viễn cảnh trên hoàn toàn có thể diễn ra trong thực tế, và "trong quá khứ lực lượng tàu chiến sân bay của Mỹ luôn là quân át chủ bài để chấm dứt tình trạng xung đột leo thang, bởi lực lượng này gần như không có đối thủ".
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây đã không ngừng nâng cao khả năng chống xâm nhập, trang bị hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa nhằm đối phó với các hàng không mẫu hạm của Mỹ.
"Việc điều động một hoặc hai tàu sân bay trong tương lai không những không thể dẹp yên xung đột, thậm chí lại càng khuyến khích quân đội Trung Quốc tiến hành đánh trả", ông Haddick nhận định.
Mâu thuẫn không ngừng gia tăng giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng chỉ là một khía cạnh trong quan hệ quốc tế phức tại khu vực Thái Bình Dương, bởi chính sự bất đồng trong chiến lược của Mỹ và Trung Quốc mới là yếu tố chính có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trong khu vực.
Chiến lược quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương của Washington được xây dựng bao gồm cả những tính toán về khả năng phát triển của quân đội Trung Quốc, trong khi đó chiến lược chống xâm nhập của Bắc Kinh nhằm mục tiêu cản trở khả năng can thiệp quân sự của Mỹ.
"Đây chính là lý do khiến các chuyên gia lo sợ trước nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản", Marcus kết luận.
Theo Đức Dương (VNE / BBC)