Vào dịp Việt Nam - Hàn Quốc bước sang năm thứ 30 thiết lập quan hệ ngoại giao, chiều qua 29-2, Bộ Tài chính và doanh nghiệp Hàn Quốc tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024.
Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn
Dẫn thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tính đến tháng trước, Việt Nam đã thu hút được 9.891 dự án từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, đang có 8.058 doanh nghiệp mà nhà đầu tư Hàn Quốc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, chiếm tỷ trọng 28% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Với kết quả ấy, Hàn Quốc hiện là nước dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam. Tổng thu nội địa từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đạt gần 175.000 tỉ đồng.
"Trong 5 năm qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước của cả nước từ các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tăng", Thứ trưởng đưa ra ra đánh giá trong phát biểu khai mạc hội nghị.
Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên cả nước.
Bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam yên tâm mở rộng sản xuất.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, tập trung gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí...
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cam kết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn kêu chuyện hoàn thuế VAT
Trao đổi tại hội nghị đối thoại, ông Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định nhờ có sự hỗ trợ của cơ quan thuế và hải quan Việt Nam trong những năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo dựng được nền tảng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tại nhiều địa phương của Việt Nam.
"Tuy nhiên, họ vẫn còn rất cần sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam trong các chính sách thuế", ông Choi nhận định.
Dẫn chứng, ông Choi Youngsam cho hay, ngoài vướng mắc về việc đánh thuế hai lần đối với thu nhập phụ thu từ hoạt động vận chuyển quốc tế, một số doanh nghiệp còn phản ánh những khó khăn liên quan đến việc chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) ở một số địa phương.
Hay vướng mắc trong việc việc đưa tiền hợp đồng nhà thầu phụ vào danh mục thu nhập chịu thuế hay việc hủy bỏ ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập.
"Đầu tư phản ứng rất nhạy cảm với sự không chắc chắn. Nền hành chính thuế không minh bạch và khó đoán sẽ khiến đầu tư bị đóng băng", Đại sứ Hàn Quốc nhấn mạnh.
Chính vì vậy, nhân hội nghị lần này, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ liên quan đến chính sách hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư mở rộng.
Những vướng mắc trong hoàn thuế VAT không phải là vấn đề mới với doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Gần đây nhất, tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc, hồi tháng 8-2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết nhiều công ty đang vướng về giấy phép lao động cho người nước ngoài; đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hoàn thuế giá trị gia tăng.