Nhà đầu tư rút khỏi cụm công nghiệp vì không có hạ tầng

Đó là câu chuyện của Công ty Cổ phần Xây dựng Dufago cũng như nhiều doanh nghiệp khác được đưa ra tại hội thảo "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư" do UBND tỉnh Phú Yên và báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 18-12.
Ông Lê Văn Liêm, Trưởng Phòng kinh doanh, phụ trách các dự án đầu tư Công ty Cổ phần Xây dựng Dufago, cho biết công ty đầu tư cụm công nghiệp (CCN) Tam Bình (huyện Đông Hòa) năm 2014, 2015. Từ đó đến nay, dù doanh nghiệp đã lập dự án, trình duyệt nhưng vướng mắc là nhà đầu tư thứ cấp không được đầu tư hạ tầng.
"Trong khi đó, nguồn ngân sách của tỉnh không dồi dào để đầu tư vào CCN, như Tam Bình vẫn là vùng đất còn nằm trên giấy. Chúng tôi mong muốn có sự quan tâm, gỡ vướng điểm này vì chờ nhà đầu tư làm hạ tầng thì rất lâu. Gần như hiện nay nhiều nhà đầu tư rút khỏi các CCN là vì không có hạ tầng” – ông Liêm nói.

Các doanh nghiệp nêu vướng mắc trong đầu tư CCN tại Hội thảo "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư" ngày 18-12.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế CCN thuộc thẩm quyền huyện, xã nhằm giải quyết tổ chức lại sản xuất, kinh tế tại nông thôn. Chính vì vậy, luật yêu cầu phải có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rồi cho thuê lại là khó khả thi.
Khi chưa có hạ tầng, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để sản xuất không được. Nguyên nhân vướng mắc được ông Thiên chỉ ra là vốn nhà nước đầu tư vào CCN còn quá yếu, các quy định còn chưa rõ và không hợp với thực tế.
Phân tích sâu hơn, Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Đoàn Luật sư TP.HCM chỉ ra nguyên nhân do quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN vênh nhau.
Cụ thể, Luật Đất đai 2013 chỉ cho tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuê đất, chưa có quy định về trường hợp cho tổ chức, cá nhân thuê đất trực tiếp trong CCN để sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để sản xuất kinh doanh trong các CCN thì tỉnh không cho thuê được.

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cần sửa Luật Đất đai theo tinh thần Nghị định 68/2017 của Chính phủ. 

Trong khi đó, Nghị định 68 lại cho phép các tổ chức, cá nhân đầu tư vào CCN có thể trực tiếp thuê đất của Nhà nước hoặc của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng. Nếu thực hiện theo nghị định này thì trái với Luật Đất đai nêu trên nên tất cả CCN tại các địa phương gặp vướng.
"Vì vậy, theo tôi nên sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần Nghị định 68 nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện cho CCN thu hút nhà đầu tư" - Luật sư Quỳnh Như kiến nghị.
Đồng quan điểm với LS Như, ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ủng hộ đề xuất sửa Luật đất đai. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng điều chỉnh quy định theo Nghị định 68 cũng chưa giải quyết vấn đề.
"Hiện nay, chúng ta nói đến cụm liên kết công nghiệp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết với nhau. Cần có thêm chính sách khuyến khích hình thành chuỗi, đầu tư vào hạ tầng, tạo hệ sinh thái để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chúng ta phải bàn giải pháp cụ thể về lâu dài hơn, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn” - ông Lộc chia sẻ.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu tại hội thảo ngày 18-12. 

Sau khi tiếp nhận các góp ý, ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết tỉnh sẽ tổng hợp xem xét phần nào thuộc thẩm quyền địa phương sẽ xử lý ngay, nội dung nào thuộc thẩm quyền cao hơn thì tỉnh sẽ đề xuất. Tỉnh hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến, các chuyên gia đối với từng vấn đề.
"Riêng về CCN có những cái địa phương đang vướng do thẩm quyền chỉ có thể như vậy. Chúng tôi rất mong có những quy định, chính sách phù hợp để hài hòa lợi ích các bên” – ông Thế bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm