Tập đoàn công nghệ quốc phòng Naval (Pháp) thông báo sẽ gửi cho Úc “bản đề xuất chi tiết và được tính toán cẩn thận” trong vài tuần tới liên quan chi phí mà Canberra phải trả để hủy bỏ hợp đồng mua 12 chiếc tàu ngầm thông thường, hãng tin AFP cho hay.
Thông tin này được ông Pierre Eric Pommellet, giám đốc điều hành Naval, tiết lộ trên tờ Le Figaro (Pháp) hôm 22-9.
Năm 2016, Úc đã chốt “hợp đồng thế kỷ” đặt mua tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel với giá khoảng 36,5 tỉ USD, lúc đó khoảng 815.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng đã bị đội giá lên 65 tỉ USD, hiện nay tương đương khoảng 1.490.000 tỉ đồng. Tuần trước, Canberra đã thông báo hủy hợp đồng này sau khi được Washington và London nhất trí chuyển giao công nghệ tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân.
Một mô hình tàu ngầm được tập đoàn Naval (Pháp) trưng bày. Ảnh: NAVAL NEWS
Ông Pommellet nhấn mạnh rằng thông báo của phía Úc tuân theo quy định về “chấm dứt tùy ý” - cho phép một trong hai bên tham gia hợp đồng gửi thông báo bằng văn bản cho bên còn lại về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ông Pommellet nhấn mạnh rằng điều khoản về “chấm dứt tùy ý” đã được quy định sẵn trong hợp đồng. Úc chọn “chấm dứt tùy ý” đồng nghĩa với việc tập đoàn Naval không có lỗi trong sự đổ vỡ của thỏa thuận này.
Đồng thời, Canberra có trách nhiệm bồi thường những chi phí đã phát sinh liên quan việc giải tán, phân công nhiệm vụ thay thế cho các đội ngũ nhân viên, chuyên viên công nghệ thông tin và xử lý hoặc cơ sở hạ tầng từng được xây dựng phục vụ hợp đồng này cho các công việc khác.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết tập đoàn Naval đã chi 900 triệu Euro (khoảng 1,1 tỉ USD hay 23.980 tỉ đồng) nhưng cho biết Naval sẽ không chịu tổn thất vì Úc sẽ thanh toán các chi phí này.
Không chỉ gây hệ quả tài chính, việc Úc hủy hợp đồng với tập đoàn Naval còn gây ra căng thẳng nghiêm trọng về chính trị. Pháp đã triệu hồi đại sứ từ Canberra và Washington về nước. Hiện nay, Mỹ và Pháp đang tăng cường đối thoại, tìm tiếng nói chung sau vụ việc này.