Nhận diện hàng loạt khó khăn cũ, mới chờ tân thủ tướng Anh

(PLO)- Điều mà dư luận trong và ngoài nước Anh đang quan tâm là vị thủ tướng 42 tuổi này sẽ xử lý sao với hàng loạt khó khăn cả cũ - có trước khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức, lẫn mới - xuất hiện trong và sau nhiệm kỳ sáu tuần của Thủ tướng Liz Truss.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trưa 25-10 (giờ địa phương), ông Rishi Sunak được vua Charles III bổ nhiệm làm thủ tướng. Trong bài phát biểu đầu tiên trước toàn dân trong cương vị thủ tướng Anh, ông Sunak nhận định đất nước đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế sâu sắc, hậu quả đại dịch kéo dài, cuộc chiến ở Ukraine làm mất ổn định thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng thế giới. Ông cam kết sẽ mang lại “sự ổn định và thống nhất” cho nước Anh trong thời điểm khủng hoảng.

Thông điệp ông Sunak đưa ra phản ánh đúng thực tế khó khăn của nước Anh. Theo các nhà quan sát, điều dư luận trong và ngoài nước Anh đang quan tâm là vị thủ tướng 42 tuổi này sẽ xử lý sao với hàng loạt khó khăn cả cũ (có trước khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức) lẫn mới (xuất hiện trong và sau nhiệm kỳ sáu tuần của Thủ tướng Liz Truss) đang chờ ông phía trước.

“Đảng Bảo thủ đã trao vương miện cho ông Rishi Sunak mà không cần nghe ông ấy nói lời nào về những gì ông ấy sẽ làm với tư cách thủ tướng. Anh ấy không có nhiệm vụ, không có câu trả lời và không có ý tưởng” - bà Angela Rayner, Phó lãnh đạo Công đảng, phản ứng sau khi kết quả chọn lựa từ đảng Bảo thủ.

Giải quyết “di sản” của bà Truss

Ngày 25-10, chính ông Sunak thừa nhận người tiền nhiệm Truss đã “mắc một số sai lầm” và ông sẽ sửa chữa.

Nhiệm kỳ Thủ tướng Truss được nhớ đến với chính sách cắt giảm thuế vốn gây hỗn loạn thị trường tài chính và khiến bà phải ra đi chỉ sau sáu tuần tại vị ngắn ngủi. Cụ thể, ngày 23-9, bà Truss công bố gói tài chính có tên “ngân sách nhỏ gọn”, trong đó có nội dung cắt giảm thuế lên tới 45 tỉ bảng Anh (50 tỉ USD), được xem là gói giảm thuế lớn nhất ở Anh kể từ năm 1972, theo tờ Finalcial Times.

Chỉ vài giờ sau khi gói tài chính được công bố, đồng bảng Anh giảm 4% so với đồng USD. Đến ngày 26-9, đồng bảng Anh giảm thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD. Thị trường tài chính Anh phản ứng dữ dội, các nhà đầu tư liên tục bán tháo trái phiếu. Đến ngày 28-9, trái phiếu chính phủ xuống giá kỷ lục buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ổn định giá với lời hứa mua vào 65 tỉ bảng trái phiếu chính phủ.

Vua Charles III (trái) chào mừng tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại điện Buckingham ở thủ đô London ngày 25-10. Ảnh: AP

Vua Charles III (trái) chào mừng tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại điện Buckingham ở thủ đô London ngày 25-10. Ảnh: AP

Dưới áp lực thị trường, ngày 14-10, bà Truss thay bộ trưởng tài chính và ông Jeremy Hunt nhanh chóng đảo ngược tất cả chính sách kinh tế của bà Truss để lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư. Đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ ổn định trở lại, tuy nhiên theo Financial Times thì “cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc”. Tờ báo dự đoán rằng chính phủ mới sẽ phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong thời gian tới.

Ngoài ra, thời điểm này niềm tin của người dân vào chính phủ sụt giảm, trong khi nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền ngày càng chia rẽ sâu sắc. Theo kết quả khảo sát từ trang YouGov công bố ngày 18-10, chỉ 7% người Anh được hỏi hài lòng với chính phủ, có đến 77% người được hỏi cho biết họ không hài lòng với chính phủ, mức cao nhất trong 11 năm qua. Thăm dò của Ipsos còn cho thấy có tới 62% cử tri muốn có một cuộc tổng tuyển cử trước khi năm 2022 kết thúc.

Đảng Bảo thủ gần đây cũng chứng kiến những chia rẽ sâu sắc về ý thức hệ. Ngày 24-10, cựu Thủ tướng Johnson cho biết lý do ông không tham gia tranh cử là vì ông không thuyết phục được hai ứng viên còn lại là ông Sunak và bà Penny Mordaunt cùng làm việc với ông “vì lợi ích quốc gia”, điều này phản ánh những chia rẽ trong nội bộ đảng này.

Không thể quy hoàn toàn trách nhiệm hai vấn đề này cho bà Truss bởi những chuyện này vốn đã có sẵn trong nội tại nước Anh khi chỉ trong sáu năm qua quốc gia này đã trải qua năm đời thủ tướng, nhiều hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước đó. Song không thể phủ nhận bà Truss đã làm trầm trọng thêm sự mất tín nhiệm của người dân, cũng như làm tăng sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ mà bà lãnh đạo.

Khó khăn từ thời ông Johnson

Có lẽ thách thức lớn nhất đang chờ ông Sunak là kinh tế. Anh đang chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục và khủng hoảng nghiêm trọng chi phí sinh hoạt. Theo hãng tin Reuters, lạm phát Anh đã tăng trên 10% vào tháng 9 (so với tháng 9-2021), cao nhất trong 40 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 9 cũng cao hơn 10,1% so với một năm trước đó, theo số liệu Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố ngày 19-10.

Anh cũng đang phải đối mặt với tình trạng tài chính công không ổn định. Tổng nợ của chính phủ Anh tính đến tháng 9 đã tăng lên 2.450 tỉ bảng Anh, tương đương 98% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo tờ The Guardian.

Khi thông báo về quyết định tranh cử của mình hôm 23-10, ông Sunak đã nhận thức rằng nước Anh đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc” và mục tiêu hành động hàng đầu của ông là “sửa chữa nền kinh tế Anh”.

Tân Thủ tướng Sunak sẽ phải nhanh chóng quyết định kế hoạch ngân sách mới nhằm ổn định tài chính công của Anh. Kế hoạch này đang được Bộ trưởng Tài chính Hunt soạn thảo và dự kiến công bố vào ngày 31-10. Chính phủ mới cũng được mong đợi sẽ giúp đỡ các hộ gia đình vượt qua khủng hoảng tăng giá thực phẩm và giá nhiên liệu.

Một trong những thách thức không nhỏ của ông Sunak trên cương vị thủ tướng Anh chính là giải quyết câu chuyện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (gọi tắt là Brexit), một vấn đề đã làm xấu đi quan hệ giữa Anh và EU cũng như gây chia rẽ đảng Bảo thủ. Thêm nữa, trong nội bộ nước Anh, lòng dân có dấu hiệu chao đảo khi gần đây xuất hiện nhiều cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ đảo ngược thỏa thuận Brexit, tái gia nhập EU.

Anh vẫn đang đàm phán với EU về vấn đề thương mại với Bắc Ireland. Thủ tướng Sunak sẽ phải đối mặt với áp lực làm thế nào để viết lại thỏa thuận hậu Brexit mà không nhượng bộ EU trong vấn đề thương mại giữa Anh và Bắc Ireland, theo Reuters.•

Thế giới chúc mừng, Ấn Độ cổ vũ ông Sunak

Nhiều lãnh đạo thế giới chúc mừng chiến thắng của ông Rishi Sunak với tư cách là thủ tướng da màu đầu tiên của Anh và là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử chính trị hiện đại, theo tờ The Guardian.

Ngày 24-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét chiến thắng của ông Sunak là “điều đáng kinh ngạc, một cột mốc mang tính đột phá và rất quan trọng”.

Các lãnh đạo châu Âu - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Ireland Micheal Martin… - mong muốn Anh ổn định dưới thời ông Sunak sau thời gian hỗn loạn những ngày qua.

Ngày 25-10, Bộ trưởng Ngân khố Úc Jim Chalmers nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc Anh lần đầu tiên chọn một người da màu làm thủ tướng. Thủ tướng New Zealand Grant Robertson hy vọng ông Sunak sẽ giúp ký kết một hiệp định thương mại tự do giữa hai quốc gia.

Ông Sunak cũng nhận được sự cổ vũ lớn từ Ấn Độ. Nhiều người thấy tự hào vì ông Sunak sẽ điều hành một đất nước mà Ấn Độ từng là thuộc địa. Các cơ quan truyền thông Ấn Độ đều có thông điệp chúc mừng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi “lời chúc mừng nồng nhiệt nhất” tới ông Sunak, nói rằng ông mong được “hợp tác chặt chẽ với nhau trong các vấn đề toàn cầu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm