Nhật, Campuchia đưa ra tuyên bố chung về Ukraine, Myanmar và Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau cuộc họp ở thủ đô Phnom Penh hôm 20-3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và người đồng cấp Nhật Fumio Kishida đã đưa ra tuyên bố chung về những vấn đề xoay quanh các điểm nóng trên thế giới như Myanmar, Biển Đông và đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine.

Nga cần rút lực lượng khỏi Ukraine ngay lập tức

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), hai nhà lãnh đạo hối thúc Nga chấm dứt ngay chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine và rút lực lượng khỏi quốc gia này ngay lập tức, đồng thời lên án hành động gây hấn là “vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Trước tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình khi đối mặt với sự kháng cự của Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế từ các quốc gia phương Tây, hai nhà lãnh đạo cho biết họ “không bao giờ có thể chấp nhận lời đe dọa hoặc sử dụng tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Liên quan việc Liên Hợp Quốc gặp khó khăn khi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine do quyền phủ quyết của Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, ông Kishida và ông Hun Sen nhất trí rằng cần phải cải tổ Hội đồng Bảo an càng sớm càng tốt và cam kết hợp tác trong mục tiêu này.

Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine vào ngày 24-2, chính quyền Tokyo đã gia tăng sức ép đối với Moscow thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế với Mỹ và nhóm G7 (diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Canada).

Trong khi đó, Campuchia cùng các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa thống nhất trong việc đưa ra lập trường đối với Nga.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) có cuộc họp tại Phnom Penh vào ngày 20-3. Ảnh: AFP

Myanmar cần mau chóng khôi phục hệ thống chính trị dân chủ

Ông Hun Sen và ông Kishida cũng kêu gọi ngừng ngay lập tức tình trạng bạo lực ở Myanmar (bùng phát sau cuộc chính biến ngày 1-2-2021) và yêu cầu chính quyền quân sự trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và hàng loạt quan chức chính quyền khác để mau chóng khôi phục hệ thống chính trị dân chủ.

Hai thủ tướng “đồng tình rằng những hành động gây hấn này gây nguy hiểm cho nền tảng trật tự quốc tế, vốn không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi đơn phương bằng vũ lực nào đối với chủ quyền các nước được quốc tế công nhận”.

“Chúng tôi khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để duy trì nền tảng của trật tự quốc tế” - Thủ tướng Nhật khẳng định trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Campuchia.

Trong khi đó, ông Hun Sen nhấn mạnh “chiến tranh không thể kết thúc bằng chiến tranh và giải pháp hòa bình là phương tiện giải quyết duy nhất”, đề cập những gì Campuchia từng trải qua trong thời gian từ năm 1970 đến 1991.

Cuộc họp giữa hai thủ tướng diễn ra ngay trước chuyến công du ba ngày của Phó Thủ tướng Campuchia Prak Sokhonn tới Myanmar với tư cách đặc phái viên ASEAN. Quốc gia này đã thực hiện chính sách ngoại giao tích cực nhằm cải thiện tình hình ở Myanmar. 

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) có cuộc họp tại Phnom Penh vào ngày 20-3. Ảnh: EPA-EFE

Trước đó, vào tháng 1, Thủ tướng Hun Sen đã đến thủ đô Naypyidaw, Myanmar, để hội đàm với Thống tướng Min Aung Hlaing, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm nước này kể từ khi xảy ra chính biến.

Nói về chuyến đi của người đồng cấp Campuchia, Thủ tướng Kishida hoan nghênh “sự tham gia tích cực” của Campuchia để phá vỡ tình thế bế tắc ở Myanmar, bày tỏ “hy vọng về kết quả tốt đẹp” trong chuyến thăm sắp tới của Phó Thủ tướng Prak Sokhonn.

Cam kết duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Bên cạnh vấn đề Ukraine và Myanmar, cả hai nhà lãnh đạo cho biết Nhật và Campuchia tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định và an ninh "trên tinh thần tương tự" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm có thể đối mặt với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Hun Sen chia sẻ “tầm quan trọng trong việc thúc giục các nước liên quan tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, nhân kỉ niệm 30 năm Nhật cử nhân viên Lực lượng Phòng vệ tới Campuchia.

Chuyến công du của ông Kishida kéo dài trong 3 ngày, bao gồm chuyến thăm Ấn Độ hôm 19-3, nơi ông cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ “niềm quan ngại nghiêm trọng về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine” và kêu gọi các bên “chấm dứt bạo lực ngay lập tức”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm