Nhật có thể coi Nga là "thách thức" an ninh trong chiến lược quốc gia dự kiến sẽ được sửa đổi trong năm nay, trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraine vẫn tiếp diễn, hãng thông tấn Kyodo News dẫn các nguồn tin chính phủ nước này ngày 9-3 cho biết.
Đây được xem sẽ là sự chuyển hướng từ lập trường của chính phủ Nhật vốn đang tìm kiếm hợp tác song phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Nhật có thể coi Nga là 'thách thức' trong chiến lược an ninh sửa đổi. Ảnh: THE DIPLOMAT
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã dấy lên sự phản đối của nhiều quốc gia, trong đó Nhật phản đối mọi hành vi đơn phương sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Nga hiện được xác định là "đối tác" trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật, theo đó Tokyo sẽ cùng Moscow thúc đẩy hòa bình và ổn định trong cộng đồng quốc tế.
Việc Nhật có thể coi Nga là “thách thức” sẽ đồng nghĩa với việc nước này bị xếp vào cùng danh sách với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, Kyodo News đưa tin.
Chiến lược quốc gia Nhật hiện tại, được thông qua vào năm 2013, mô tả việc xây dựng và các hoạt động quân sự của Trung Quốc là "một vấn đề đáng quan tâm" đối với cộng đồng quốc tế, trong khi việc phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên về cơ bản làm trầm trọng thêm mối đe dọa trong khu vực.
Các nguồn tin cho biết chiến lược sửa đổi có thể sẽ phản ánh tinh thần cảnh giác cao độ của Nhật và chính quyền Tokyo sẽ hoàn thiện các mô tả về Nga bằng cách đánh giá các động thái của nước này tại Ukraine.
Việc xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia sẽ tập trung vào việc Nhật tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa nhiều thách thức.
Nhật cần tăng cường năng lực phòng thủ ở các khu vực và vùng biển gần Trung Quốc và Đài Loan, đối phó các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân do Triều Tiên đặt ra và giải quyết những lo ngại về Nga đang nhen nhóm.
Được thông qua dưới thời chính quyền của Thủ tướng trước đây là Shinzo Abe, văn kiện an ninh quốc gia hiện tại đã định hướng các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Nhật.
Trong nhiệm kỳ của mình kết thúc vào năm 2020, ông Abe đã tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết và ký hiệp ước hòa bình thời hậu chiến, đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Fumio Kishida, người nhậm chức hồi tháng 10-2021, hiện đang lên kế hoạch sửa đổi chiến lược, cùng hai văn kiện quan trọng khác về chính sách và trang bị quốc phòng trong năm nay.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine diễn ra vào thời điểm các cuộc đàm phán song phương giữa Tokyo và Moscow không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tranh chấp của họ về một nhóm đảo nhỏ ngoài khơi Hokkaido.
Theo Thủ tướng Kishida, môi trường an ninh xung quanh Nhật đang "trở nên nghiêm trọng hơn nhanh chóng" và chiến lược sửa đổi sẽ tính đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
“Trước tình hình hiện tại, chính phủ Nhật không thể thấy trước triển vọng đàm phán song phương giữa Nhật và Nga về các hòn đảo nhỏ” - ông Kishida trước đó cho biết.
Một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã đẩy mạnh kêu gọi việc xem xét lại lập trường của Nhật đối với Nga.
"Chúng tôi không thể nói (Nga) là đối tác hợp tác hướng tới hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - một trong những nguồn tin nói.