Nhiều cơ sở đào tạo lái xe 'lách luật' về sân tập lái, Bộ GTVT đề xuất siết chặt

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất lưu lượng đào tạo lái xe được cấp phép theo đơn vị dưới 500 học viên cho sân tập lái để tránh tình trạng "lách luật" như thời gian vừa qua. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Theo đó, Bộ đưa ra một số thay đổi trong các điều kiện, quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.

Một số cơ sở đào tạo lái xe “lách luật”

Tại tờ trình, Bộ GTVT cho biết qua rà soát chính sách quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (ATGT ĐB) và Luật Giao thông đường bộ là đồng nhất.

đào tạo lái xe
Bộ GTVT đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện sân tập lái. Ảnh: TN

Vì vậy, các chính sách quy định tại Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe quy định chi tiết Luật Trật tự, ATGT ĐB chủ yếu là kế thừa các quy định tại Nghị định số 65/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe và các văn bản sửa đổi.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 65/2016 còn một số vấn đề bất cập cần nghiên cứu sửa đổi để hoàn thiện Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe quy định chi tiết Luật Trật tự, ATGT ĐB.

Cụ thể, vấn đề về yêu cầu điều kiện của sân tập lái:

Điểm b và điểm e khoản 3 Điều 6 Nghị định số 65/2016 quy định về điều kiện sân tập lái:

“b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 2 sân tập lái xe theo quy định;

e) Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1 và B2 là 8.000 m2; hạng B1, B2 và C là 10.000 m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000 m2.”.

Thực tế triển khai thực hiện, số xe tập lái đào tạo thực hành trên sân tập lái tại một thời điểm (cách tính lưu lượng đào tạo) tối đa 80 xe hạng B tương đương với lưu lượng 400 học sinh.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở đào tạo lái xe đầu tư xe tập lái, thuê giáo viên dạy lái đáp ứng yêu cầu về điều kiện theo quy định để đào tạo lái xe với lưu lượng trên 2.000 học viên. Tuy nhiên, đơn vị này đã không đầu tư sân tập lái đáp ứng lưu lượng đào tạo tương ứng do quy định về điều kiện sân tập lái đối với với cơ sở đào tạo lái xe với lưu lượng trên 1.000 học viên chỉ mang tính định lượng, nên khó khăn cho công tác quản lý hoạt động nói trên.

Bộ GTVT trình bày tại tờ trình Dự thảo.

Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch trong hoạt động đào tạo việc quy định cụ thể điều kiện sân tập lái cần đáp ứng cho mỗi đơn vị lưu lượng đào tạo (500 học viên) là cần thiết, tránh tình trạng “lách luật” diễn ra trong thời gian vừa qua.

Bổ sung lưu lượng đào tạo được phép

Theo đó, để tránh tình trạng “lách luật” trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại Điều 7 của Dự thảo như sau:

Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu là 1.000 m2, không bao gồm diện tích đất sân tập lái quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.

Vốn đầu tư thành lập cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai tối thiểu là 5 (năm) tỉ đồng.

IMG_5226.jpg
Bộ GTVT đề xuất lưu lượng đào tạo lái xe được cấp phép theo đơn vị dưới 500 học viên. Ảnh: TN

Hệ thống phòng học chuyên môn

Phòng sử dụng học lý thuyết: có các trang thiết bị làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về các nội dung: pháp luật giao thông đường bộ, Đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông và phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ; trường hợp, các thiết bị công nghệ thông tin chưa mô tả hệ thống báo hiệu đường bộ, sa hình, thì phải có hệ thống tranh vẽ; cabin học lái xe. Diện tích phòng học không nhỏ hơn 48m2/phòng;

Phòng sử dụng học Kỹ thuật ô tô: có các thiết bị công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ việc giảng dạy về cấu tạo, sửa chữa thông thường và kỹ thuật lái xe; có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực và mô hình hệ thống điện; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để hướng dẫn học sinh thực hành tháo lắp lốp, kiểm tra dầu xe, nước làm mát (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có cabin học lái xe (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); trường hợp, các thiết bị công nghệ thông tin chưa có sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái...), thì phải có hệ thống tranh vẽ. Diện tích phòng học không nhỏ hơn 100 m2/phòng;

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng phòng học lý thuyết và phòng học kỹ thuật ô tô phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; lưu lượng đào tạo được cấp phép theo đơn vị dưới 500 học viên, mỗi đơn vị lưu lượng phải có ít nhất 2 phòng học.

Xe tập lái

Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe;

Xe tập lái, gồm các hạng: A1, A (loại ly hợp điều khiển tự động, loại ly hợp điều khiển bằng tay), B1, B (loại số tự động và số cơ khí), C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE;

Xe tập lái các hạng sử dụng các loại xe tương ứng với hạng giấy phép lái xe quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật trật tự, ATGT ĐB;

Ô tô tải sử dụng để làm xe tập lái hạng B phải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 2.500 kg đến 3.500 kg với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo. Xe tập lái hạng B và BE có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C1, C, D2, D1, D, BE, C1E, CE, D2E, D1E, DE có niên hạn theo quy định;

Xe tập lái được gắn 2 biển “TẬP LÁI” trước và sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Nghị định này; có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe; xe tập lái trên đường giao thông có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên; xe tập lái loại tải thùng có mui che mưa, che nắng, ghế ngồi cho học viên; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực.

Sân tập lái xe

Thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe;

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng sân tập lái phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; lưu lượng đào tạo được cấp phép theo đơn vị dưới 1.000 học viên, mỗi đơn vị lưu lượng phải có ít nhất 1 sân tập lái;

Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng;

Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường; hình các bài tập lái xe ô tô phải được bó vỉa;

Có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành;

Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B là 8.000 m2; hạng B và C1, C là 10.000 m2; hạng B, C1, C, D2, D1, D, BE, C1E, CE, D2E, D1E, DE là 14.000 m2;

Cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và sát hạch lái xe có thể sử dụng sân sát hạch để đào tạo lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm