Nhiều con đường thành bãi đậu xe container trái phép

Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc xe container ra vào các cảng, khu công nghiệp ở TP.HCM để vận chuyển hàng hóa. Song có một thực tế tại các khu vực này đều thiếu bãi đậu xe tải, xe container đủ chuẩn. Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP đồng ý chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vận tải làm bãi đậu xe.

Đậu vô tội vạ, tiềm ẩn tai nạn

Dạo quanh một vòng các tuyến đường huyết mạch tại TP.HCM, phóng viên phát hiện nhiều xe container nối đuôi nhau đậu vô tội vạ. Điển hình như tuyến xa lộ Hà Nội, hàng chục xe container đậu hàng dài dọc choán mất 1/3 mặt đường.

Anh Võ Thế Chương (ngụ quận Thủ Đức) cho biết xe container vô tư biến tuyến đường huyết mạch này thành bãi xe của riêng mình. Mỗi khi xe ra hoặc vào bãi này thì phải lấn vào phần đường dành cho xe máy, làm xe máy đang lưu thông trên đường với tốc độ cao phải giảm đột ngột, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. “Tôi từng chứng kiến một người lái xe máy tông vào xe container đậu ven đường mà thiệt mạng nên nhiều khi ra đường mà rùng mình” - anh Chương kể.

Tương tự, tại cầu vượt trạm 2 (phường Tân Phú, quận 9), có chục chiếc xe container đậu san sát nhau trên mặt cầu. Đoạn đường dẫn lên cầu vượt dành cho nhiều loại xe lên xuống từ nhiều hướng cũng xuất hiện tình trạng xe container choán 1/2 mặt đường, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

Ngoài ra, đường số 13 đoạn ngã ba Lâm Viên đến giao lộ đường Hoàng Hữu Nam (quận 9), dài khoảng 3 km nhưng có thể đếm được hơn mười garage sửa chữa và chỗ đậu xe container nằm sát đường. Đáng chú ý, các bãi giữ xe phía ngoài không hề có thông tin liên quan đến bến bãi, chỉ ngăn tạm bởi hàng rào bằng lưới B40. Còn phía trong là nền đất trống, chỗ lồi chỗ lõm.

Theo quan sát, đường song hành dọc tuyến metro, phóng viên phát hiện có khoảng 10 chiếc xe container đậu tại đây. Đường dẫn từ Suối Tiên đến quốc lộ 1A thì có hàng chục bãi giữ xe như bãi số 10, bãi xe số 9... Gần đó, cây xăng tại ngã ba đường Song Hành, đường 400 (phường Tân Phú, quận 9) cũng trở thành điểm tập kết gửi xe của một số tài xế xe container.

Tại khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, Khu công nghệ cao (quận 9), hàng loạt bãi đậu xe tải, xe container nở rộ để phục vụ cho nhu cầu dừng đỗ khu vực này. Tuy nhiên, gần như các bãi đậu xe này là không đủ nên tình trạng xe chiếm dụng mặt đường diễn ra khá phổ biển.

Anh Phan Trung Rin, tài xế xe container, cho biết giá tiền trung bình 150.000-200.000 đồng/đầu xe/ngày. Nếu xe đậu lâu thì chủ bãi giữ xe sẽ lấy rẻ hơn nhưng đậu trên ba ngày thì một đêm chỉ mất 100.000 đồng. “Vì không muốn mất nhiều thời gian nên chúng tôi mới đậu ngoài đường chừng 20-30 phút. Còn những lúc đậu lâu là xe chờ vào các cảng, các khu công nghiệp” - anh Rin trần tình.

Nhìn thì như thể đang đi trên đường nhưng thực chất những chiếc xe container này đang đậu trên xa lộ Hà Nội. Ảnh nhỏ: Ngay vòng xoay cầu vượt trạm 2,  các xe container cũng đậu thành hàng. Ảnh: T.TRINH

Kiến nghị TP hỗ trợ doanh nghiệp

Một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.HCM cho biết hiện nay nhu cầu vận chuyển hàng hóa là rất lớn song các bãi đậu xe gần như là do doanh nghiệp tự đầu tư hoặc phải đi thuê. Do bến bãi khan hiếm, giá đất leo thang nên doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm mặt bằng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đi về các tỉnh lân cận mới thuê được đất.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM thừa nhận TP đang thiếu trầm trọng bến, bãi đỗ xe làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và nhu cầu đỗ xe. Khó khăn lớn nhất đối với việc xây dựng các bến bãi hiện nay là đang thiếu quỹ đất.

Theo Sở GTVT, hệ thống bến bãi tại các khu vực chợ đầu mối hiện hữu như chợ Bình Điền, quận 8; chợ Tam Bình, quận Thủ Đức; chợ Tân Xuân, huyện Hóc Môn chủ yếu phục vụ trung chuyển hàng hóa trong ngày.

Đối với các bến xe hàng được bố trí trong các cảng sông, cảng biển như cảng VIC - cảng Bến Nghé, quận 7; cảng Cát Lái, quận 2; cảng Phú Hữu, quận 9, các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ thực hiện trung chuyển hàng hóa bằng xe container và không bố trí đất cho phương tiện xe tải đậu đỗ.

Mới đây, Sở GTVT đã tiến hành khảo sát thực tế tại khu vực quận 9. Tại các vị trí bến bãi được quy hoạch đều khó khả thi để đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, tại khu đô thị mới Tam Đa (Trường Thạnh, quận 9) có diện tích hơn 36 ha, song chưa giải phóng mặt bằng được nên không thể triển khai ngay. Tại khu cảng Bến Nghé, Khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9) với quy mô 10 ha, chỉ là nơi bố trí, giao nhận hàng hóa nên không thể làm nơi đậu xe tải, xe container. Tại Khu công nghệ cao có quy mô hơn 50 ha nhưng cũng chỉ thực hiện mục đích trung chuyển.

Sở GTVT TP.HCM nhận định: Tại các vị trí bến bãi hàng hóa này có mặt bằng rất lớn nên chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Song chính sách để khuyến khích đầu tư loại hình này là chưa có. Mặt khác, hệ thống đường giao thông kết nối với các bến bãi này chưa được triển khai đồng bộ nên khó thu hút đầu tư.

Giải pháp tạm thời là Sở GTVT kiến nghị UBND TP hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thống nhất về chủ trương sử dụng bãi giữ xe tạm. Cụ thể, cho phép doanh nghiệp sử dụng tạm thời các vị trí khu đất (do các đơn vị vận tải giới thiệu, đề xuất), nơi mà hiện nay địa phương chưa có kế hoạch sử dụng; hoặc chưa thể triển khai đầu tư ngay để làm bến bãi.

Hiệp hội vận tải hàng hóa kêu cứu

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết các đơn vị vận tải này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thuê đất để làm bãi đậu xe nhằm giải quyết nhu cầu đậu đỗ xe cho đơn vị của mình. Bên cạnh đó, một số bãi đậu xe tải hiện nay mà các đơn vị vận tải đang thuê tạm cũng được chấm dứt hợp đồng và không được gia hạn.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy hoạch quỹ đất phát triển giao thông tĩnh của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 668/QĐ-TTg) về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 có tổng diện tích hơn 565,19 ha, gồm 27 vị trí bến bãi. Bãi đậu xe hiện nay có diện tích hơn 191,68 ha, gồm 10 vị trí, chiếm tỉ lệ 43,5% so với quy hoạch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm