Theo đánh giá của Bộ Công thương, tháng 1-2021 là thời điểm trước tết nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp (DN), trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị chuẩn bị nguồn hàng dồi dào và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá thu hút người dân tiêu dùng trong dịp tết.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước tính đạt 479,9 ngàn tỉ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 378,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 1,6 ngàn tỉ đồng, chiếm 0,3% tổng mức và giảm 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Khách hàng chọn bánh kẹo mứt tại siêu thị Aeon Celadon Tân Phú.
Liên quan đến với công tác chuẩn bị hàng hóa và các chương trình phục vụ tết 2021, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bộ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu. Trong đó, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc, rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp tết...
Mặt khác, theo chỉ đạo của bộ các tập đoàn, tổng công ty, DN đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ tăng dự trữ. Từ đó, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết.
Hầu hết các đơn vị đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Song song đó, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá bình ổn thị trường nói riêng trong dịp tết được chuẩn bị dồi dào. Lượng hàng hoá tham gia bình ổn tại các địa phương chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường.
Một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội... đã chỉ đạo các DN trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp trở lại.
Các DN có hệ thống phân phối, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã cam kết kéo dài thời gian phục vụ đến chiều 30 tết và mở cửa chiều mùng 1 tết thậm chí, một số DN có kế hoạch bố trí điểm bán không nghỉ tết.
Ngoài ra, các DN phân phối đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng tươi sống trong dịp cận tết.
Bộ Công Thương cho rằng, với kế hoạch bán hàng phục vụ tết như trên sẽ tạo tâm lý an tâm cho thị trường, giảm việc đầu cơ, mua trữ hàng hoá gây tăng giá trong những ngày cận tết.
Đồng thời, các DN phân phối cũng cam kết cung cấp hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là với nhóm hàng bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến trong phục vụ tết và hàng hóa trong danh mục hàng bình ổn thị trường đều là hàng Việt Nam.