Nhiều nơi ở Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum bị ngập lụt

(PLO)- Hơn 8.200 học sinh một huyện ở tỉnh Kon Tum nghỉ học để tránh lũ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mưa lớn kéo dài từ mấy ngày qua khiến nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam như huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An, TP Tam Kỳ… ngập sâu. Các tuyến đường giao thông qua địa bàn tỉnh bị sạt lở, chia cắt.

Sáng 11-10, tuyến quốc lộ 1 đoạn qua huyện Phú Ninh và huyện Thăng Bình (Quảng Nam) ngập sâu, có nơi ngập đến hơn 0,5 m. Xe máy, ô tô loại nhỏ không thể di chuyển, buộc phải quay đầu. Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nên quốc lộ 1 bắt đầu ngập từ khuya 10-10.

Tại TP Hội An, nước từ thượng nguồn đổ về, nhiều khu vực trong TP chìm trong biển nước. Các tuyến đường trong phố cổ như Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Thái Học, Châu Thượng Văn… ngập sâu, có nơi ngập hơn 2 m. Nhiều du khách lưu trú ở các khách sạn vùng trũng thấp bên kia sông Hoài phải khăn gói sơ tán về trung tâm TP.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, để ứng phó với đợt mưa lũ này, toàn tỉnh đã chủ động di dời, sơ tán 1.237 hộ/4.276 nhân khẩu tại các vùng có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất. Ghi nhận đến 11 giờ ngày 11-10, tỉnh Quảng Nam có hai người chết và một người mất tích; rất nhiều nhà dân ở TP Tam Kỳ, TP Hội An, thị xã Điện Bàn, các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc… bị ngập do mưa lũ.

Tại Quảng Ngãi, sáng 11-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh dẫn đầu đoàn công tác tiếp cận hiện trường, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở ở thủy điện Kà Tinh (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng). Tại đây, ông Minh yêu cầu các lực lượng cứu nạn phải tuyệt đối đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý khắc phục hậu quả. Tinh thần là không vì khắc phục hậu quả mà để sơ suất, xảy ra hậu quả lớn hơn. Đến trưa 11-10, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở vẫn còn khó khăn do có mưa lớn. Lực lượng cứu nạn đã huy động năm máy đào và các thiết bị cần thiết tiếp cận hiện trường, giải phóng hàng ngàn khối đất đá.

Nhiều tuyến đường ở TP Hội An bị ngập sâu, người dân phải di chuyển bằng ghe trong phố. Ảnh: THANH NHẬT
Nhiều tuyến đường ở TP Hội An bị ngập sâu, người dân phải di chuyển bằng ghe trong phố. Ảnh: THANH NHẬT

Tại tỉnh Kon Tum, sáng 11-10, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết huyện đã có văn bản gửi Phòng GD&ĐT, yêu cầu đơn vị khẩn trương chỉ đạo các trường học trên địa bàn thông báo cho học sinh được nghỉ học từ ngày 11-10 để phòng chống, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh này đã có thông báo xả lũ để điều tiết nước, bảo vệ hồ đập.

Tại tỉnh Bình Định, chiều 11-10, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định), cho hay chính quyền đã sơ tán khẩn cấp bốn hộ gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm do sạt lở tại xã An Vinh.

Mưa lớn kéo dài khiến nước sông dâng cao, gây ngập tỉnh lộ 629 đoạn qua xã An Hòa, huyện An Lão; gây ngập nặng nhiều cầu tràn ở các xã An Hòa, An Nghĩa, An Quang của huyện An Lão, vị trí bị ngập sâu hơn 2 m.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết chính quyền đã sơ tán 15 hộ gia đình ở xã Hoài Sơn do nhà bị ngập. Từ trưa 11-10, nước ở các khu vực bị ngập thuộc thị xã Hoài Nhơn đã xuống.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, hiện nước trên các sông ở tỉnh này đang ở mức cao. Khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, gây ngập cục bộ tại một số địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm