Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-3 lần đầu tiên dùng đến quyền phủ quyết để bác một dự luật của Quốc hội Mỹ nhằm chấm dứt Tuyên bố khẩn cấp quốc gia của chính ông.
Tuyên bố khẩn cấp quốc gia này được ông Trump thông qua tháng trước để qua mặt Quốc hội huy động tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico, sau khi Quốc hội từ chối chi tiền.
Hạ viện dự kiến bỏ phiếu vào ngày 26-3 tới trong nỗ lực đảo ngược quyền phủ quyết của ông Trump, tuy nhiên khả năng không cao vì các nghị sĩ khó có thể huy động được thế đa số 2/3 ở cả lưỡng viện.
Đây là quyền phủ quyết của ông Trump trong suốt quá trình làm tổng thống, nhưng ông không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên dùng đến quyền phủ quyết. Thực tế lịch sử Mỹ từng có nhiều quyền phủ quyết gây tranh cãi.
Năm 1971, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Phát triển Toàn diện Trẻ em, tuy nhiên Tổng thống Richard M. Nixon đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật này.
Tổng thống Richard M. Nixon (thứ hai từ phải sang) và các thành viên tàu không gian Apollo chào cờ Mỹ trong một buổi lễ tại căn cứ không quân Hickam ngày 18-4-1970. Ảnh: NASA
Hành động của ông Nixon đã gây khó hiểu cho rất nhiều bậc cha mẹ Mỹ.
Năm 1974, Tổng thống Gerald Ford nhậm chức sau khi người tiền nhiệm Nixon từ chức liên quan đến vụ bê bối Watergate. Cũng trong năm này ông Ford ban hành một trong những lệnh phủ quyết tổng thống thuộc hàng tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ, nhằm phong tỏa một dự luật tăng sức mạnh cho Luật Tự do thông tin (FOIA).
Tổng thống Gerald Ford với nhóm nhảy Kilgore Rangerettes ngày 28-4-1976. Ảnh: GLP
Dự luật được thông qua lần đầu tiên năm 1967 và được thiết kế nhằm giúp công dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các tài liệu, hồ sơ của chính phủ. Tuy nhiên, cuối cùng thì Quốc hội cũng đã vượt qua quyền phủ quyết của ông Ford mà đưa dự luật FOIA thành luật.
Năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan dùng quyền phủ quyết bác dự luật Chống toàn diện nạn phân biệt chủng tộc Nam Phi được soạn thảo với mục đích mở đường trừng phạt chính phủ Nam Phi.
Tổng thống Ronald Reagan phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, trong khi Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan chờ đến thời điểm gây bất ngờ bằng chiếc bánh mừng sinh nhật lần thứ 70 của ông, ngày 6-2-1981. Ảnh: GLP
Ông Reagan cho rằng luật này sẽ gây ra một “cuộc chiến tranh kinh tế” – một lý lẽ không thuyết phục được các nghị sĩ. Và cuối cùng Quốc hội đã vượt qua được lệnh phủ quyết của ông Reagan để thông qua luật và trừng phạt Nam Phi.
Các cuộc tranh luận không dứt về phá thai lên tới đỉnh điểm vào năm 1996 khi Tổng thống Bill Clinton phủ quyết một dự luật cấm các bác sĩ thực hiện “phá thai từng phần” – một dạng phá thai khi thai ở giai đoạn cuối.
Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Al Gore năm 1992. Ảnh: GLP
Ông Clinton bảo vệ quyết định của mình với lý lẽ nhằm hạn chế rủi ro cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên lệnh phủ quyết của ông Clinton đã khiến thành phần bảo thủ thêm giận dữ hơn và càng làm gay gắt hơn cuộc chiến tranh luận giữa phản đối và ủng hộ phá thai.
Tổng thống Barack Obama là chủ nhân của một trong những lệnh phủ quyết gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại. Năm 2016 ông Obama dùng quyền phủ quyết bác một dự luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 kiện chính phủ Saudi Arabia đòi bồi thường.
Tổng thống Barack Obama (trái) bắt tay Vua Abdullah bin Abdulaziz của Saudi Arabia ngày 3-6-2009. Ảnh: GLP
Ông Obama cho rằng dự luật này có thể là một mối nguy với an ninh quốc gia. Tuy nhiên cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở lưỡng viện đã bắt tay để đảo ngược lệnh phủ quyết này.