LTS: Ngày 11-9, tàu cảnh sát biển Thái Lan (mang số hiệu Thai Police 528) đã đuổi bắt và xả súng máy bắn thẳng vào tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Thái Lan và Malaysia. Tổng cộng có sáu chiếc tàu cá của Việt Nam bị tấn công, một người tử vong tại chỗ và hai người khác bị thương. Đây là hành động tàn bạo và vô nhân đạo, trái với các quy tắc của luật pháp quốc tế.Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu bài viết của TS Trần Thăng Long, Phó Trưởng bộ môn Anh văn pháp lý, Trường ĐH Luật TP.HCM, về vấn đề này.
Ngay cả khi tàu cá Việt Nam vi phạm các luật và quy định của Thái Lan trong vùng biển mà họ có chủ quyền hoặc có quyền chủ quyền, quyền tài phán, lực lượng chức năng Thái Lan cũng khó biện minh cho hành động họ đã làm.
Về quyền truy đuổi và sử dụng vũ lực trong truy đuổi
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (Điều 111) cho phép các quốc gia ven biển có quyền tiến hành việc truy đuổi nhằm bắt giữ một chiếc tàu nước ngoài vi phạm nếu có cơ sở cho rằng chiếc tàu này đã vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển đó. Quyền này phát sinh khi chiếc tàu vi phạm bị phát hiện và đang ở trong nội thủy, trong vùng nước quần đảo, trong lãnh hải hay trong vùng tiếp giáp của quốc gia ven biển và nếu không gián đoạn thì có thể tiếp tục cho đến vùng biển quốc tế và sẽ chấm dứt nếu chiếc tàu vi phạm đi vào vùng lãnh hải của quốc gia mà nó thuộc quyền hay một quốc gia khác.
Việc thực hiện quyền truy đuổi có mục đích nhằm bắt giữ và áp dụng biện pháp xử lý đối với những vi phạm mà chiếc tàu nước ngoài được cho là đã gây ra. Trong trường hợp xác định có vi phạm, lực lượng chức năng của quốc gia ven biển có thể giữ người, phương tiện và sau đó xử lý vi phạm theo pháp luật của mình hoặc giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Về vấn đề này, luật quốc tế quy định rằng việc sử dụng vũ lực phải chỉ nhằm mục đích buộc chiếc tàu vi phạm dừng lại và là biện pháp cuối cùng (last resort) để đạt được điều đó. Bên cạnh đó, việc sử dụng vũ lực trong hoạt động truy đuổi phải tuân thủ những nguyên tắc và điều kiện được đề cập trong các án lệ liên quan và đã được tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) khẳng định trong vụ M/V Saiga giữa Saint Vincent and Grenadines v Guinea năm 1999. Đó là việc sử dụng vũ lực phải thực hiện sau khi lực lượng truy đuổi có sự cảnh báo trước (prior warning) và bằng các dấu hiệu được công nhận trong luật quốc tế (âm thanh, hình ảnh…). Và đặc biệt là lực lượng truy đuổi phải đảm bảo rằng việc dùng vũ lực (như việc nổ súng) phải chỉ nhằm mục đích làm cho chiếc tàu bị truy đuổi dừng lại hoặc không thể tiếp tục bỏ chạy chứ không phải là nhằm làm chìm tàu hoặc gây thương vong cho người ở trên tàu. Những hành động sử dụng vũ lực trong trường hợp đó cũng phải giới hạn ở những chuẩn chung được luật pháp quốc tế công nhận như việc nổ súng trước mũi tàu…
Do đó, việc nổ súng trực tiếp vào các tàu cá Việt Nam, đặc biệt việc sử dụng súng máy bắn trực diện và liên tục như trong trường hợp này là trái với quy định của luật quốc tế về quyền truy đuổi và không thể biện minh. Đồng thời, xét ở khía cạnh luật nhân đạo, việc bắn vào cabin trong trường hợp này của phía Thái Lan có chủ ý nhằm hạ sát thuyền trưởng là hành động vô nhân đạo và trái với các chuẩn mực và quy tắc quốc tế trong việc hành xử của lực lượng chấp pháp trên biển đối với ngư dân.
Ngư dân vẫn chưa hết bàng hoàng về cuộc tấn công vô nhân đạo của cảnh sát biển Thái Lan ngày 11-9. Ảnh: K.GIANG
Về quyền tự vệ
Phía Thái Lan cho rằng cảnh sát biển nước này khi tiến hành nổ súng là nhằm mục đích “tự vệ”. Lập luận này là hoàn toàn ngụy biện và không có cơ sở. Theo các quy tắc của luật quốc tế và được thừa nhận bởi các án lệ quốc tế thì quyền tự vệ phải đáp ứng những điều kiện quan trọng. Đó là phải có sự tấn công trước của phía bên kia; việc tự vệ nhằm bảo vệ người, phương tiện, tài sản trước sự tấn công và nhằm đẩy lùi sự tấn công; việc tự vệ bằng vũ lực phải là biện pháp cần thiết và cuối cùng, phải trên cơ sở nguyên tắc tương xứng (proportionality), nghĩa là phải có sự cân xứng giữa quy mô của sự tấn công và hành động tự vệ, về quy mô của vũ khí sử dụng. Trong đó, việc có sự tấn công trước là điều kiện tiên quyết.
Trong vụ việc này hành vi tấn công trực tiếp bằng vũ khí nhắm vào một chiếc tàu cá không có vũ trang rõ ràng là vi phạm những quy tắc này. Cần phải nhấn mạnh rằng các tàu cá của Việt Nam hoàn toàn không có vũ trang và những thuyền viên trên tàu cũng không hề có ý định tấn công hay bất kỳ một hành động nào khác để tạo cơ sở cho việc tấn công nhằm mục đích “tự vệ” cho phía Thái Lan. Do đó, sự biện hộ cho hành vi tấn công vô nhân đạo của phía Thái Lan dưới khái niệm “tự vệ” là không có căn cứ.
Về trách nhiệm pháp lý quốc tế
Theo các nguyên tắc và thực tiễn vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế như đã được khẳng định trong nhiều án lệ quốc tế, một quốc gia phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của các viên chức nhà nước (cảnh sát, thuế vụ, binh sĩ…) trong những trường hợp thừa hành công vụ (thực hiện nhiệm vụ nhân danh Nhà nước), thậm chí ngay cả trong trường hợp thực hiện họ vượt quá phạm vi thẩm quyền của mình (ultra vires). Trong trường hợp như vậy, quốc gia phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cũng như các hình thức khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật quốc tế gây ra đối với cá nhân, tổ chức hoặc đối với chính một quốc gia khác.
Trong trường hợp này, chính phủ Thái Lan phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật quốc tế và có nghĩa vụ phải bồi thường cho chính phủ Việt Nam do hành vi trái pháp luật quốc tế của tàu cảnh sát biển nước này.
Cũng theo các nguyên tắc pháp lý về trách nhiệm quốc gia, chính phủ Thái Lan, với tư cách là chủ thể luật quốc tế, phải có nghĩa vụ điều tra vụ việc, trừng phạt nghiêm khắc đối với những người đã gây ra hành vi vi phạm, công khai thừa nhận vi phạm, bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam về thiệt hại nhân mạng và những tổn thất khác về tài sản và tinh thần. Đồng thời cam kết không để những hành vi tương tự tái diễn trong tương lai.
Việt Nam yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu phía Thái Lan khẩn trương điều tra, xác minh rõ vụ việc, làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân liên quan, bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại về người và tài sản của ngư dân Việt Nam, không để xảy ra những vụ việc tương tự, tránh để ảnh hưởng đến quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan. (Trích phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, ngày 17-9, lên án việc tàu Thái Lan truy đuổi, tấn công tàu cá Việt Nam) Một số vụ sử dụng vũ lực sai quy tắc Trong thực tiễn pháp luật quốc tế, việc sử dụng vũ lực nhắm vào chiếc tàu bị truy đuổi một cách quá mức (excessive) và bất hợp pháp (unreasonable) được đề cập trong một số vụ việc tiêu biểu. Vụ I’am Alone giữa Mỹ và Canada năm 1929, theo đó, I’m Alone là một chiếc tàu của Canada bị tình nghi đang thực hiện buôn lậu rượu ngoài khơi cách bờ biển bang Lousiana từ tám đến 15 hải lý, I’m Alone bị truy đuổi bởi tàu tuần duyên Wolcott kéo dài hai ngày và cuối cùng chiếc tàu của Canada đã bị chiếc tàu tuần duyên thứ hai là Dexter bắn chìm cách bờ 225 hải lý và một thủy thủ của tàu bị chết. Canada đã kiện đòi bồi thường và Ủy ban Trọng tài hỗn hợp đã kết luận rằng việc sử dụng vũ lực phải nhằm mục đích dừng tàu để kiểm tra, khám xét, bắt giữ và đưa về cảng, trong khi đó hành động cố ý nhằm đánh chìm chiếc tàu là không hợp lý và không thể biện minh. Vụ tàu Red Crusader giữa Anh và Đan Mạch là một ví dụ khác về việc sử dụng vũ lực trong việc truy đuổi. Trong vụ này, tàu Red Crusader của Anh bị bắn bởi tàu tuần tra Niels Ebbesen của Đan Mạch trong khi cố gắng trốn chạy về hướng Scotland sau khi bị bắt giữ bởi phía Đan Mạch về hành vi đánh bắt trái phép theo luật của nước này. Tàu Red Crusader đã bị trúng đạn ở mũi và thân tàu, may mắn là không có ai bị thiệt hại và sau đó đã được hộ tống về cảng của Scotland. Phía Anh cho rằng việc sử dụng vũ lực của Đan Mạch là quá mức cần thiết. Tòa trọng tài phân xử vụ này đã đồng ý với quan điểm đó khi cho rằng việc sử dụng vũ lực không được chứng minh là cần thiết. Đồng thời, tòa cho rằng “những biện pháp khác lẽ ra phải được áp dụng và nếu được áp dụng thì đã có thể làm cho chiếc tàu dừng lại”. |