Mỹ đang tính nhân vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để ép Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến ở Yemen và giảm căng thẳng với Qatar, CNN dẫn lời nhiều quan chức ngoại giao Mỹ.
Saudi Arabia sắp bị ép về vấn đề Yemen, Qatar
Tuần này, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều lên tiếng kêu gọi các nước có trong liên quân Ả Rập đồng ý tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn “trong vòng 30 ngày tới”. Cả hai ông Mattis và Pompeo đều khẳng định Mỹ ủng hộ liên quân Saudi Arabia dẫn đầu và nhóm Houthi được Iran hậu thuẫn ngừng các chiến dịch không kích và bắn tên lửa vào nhau.
Ba năm xung đột đã tàn phá Yemen, giết chết ít nhất 10.000 người. Chưa hết, việc Saudi Arabia phong tỏa Yemen khiến nước này phải chịu nạn đói kinh hoàng nhất trong 100 năm, đẩy cuộc sống của 13 triệu dân Yemen vào cảnh khốn cùng. Nhiều chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng việc liên quân Saudi Arabia dẫn đầu không kích trúng dân thường có thể bị quy vào tội ác chiến tranh.
Chính phủ ông Trump hứng chỉ trích rất mạnh từ nhiều nghị sĩ vì ủng hộ Saudi Arabia và cả việc biết liên quân Saudi Arabia làm hại dân thường mà không có động thái gì. Tình hình này khiến Mỹ ngày càng chịu áp lực rút ủng hộ liên quân Saudi Arabia dẫn đầu. Liên quân này nhận được ủng hộ của Mỹ dưới hình thức được Mỹ tạo điều kiện mua vũ khí, cung cấp huấn luyện và tiếp liệu các máy bay liên quân.
Bên cạnh Yemen, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar cũng là một cái gai khiến Mỹ nhức nhối lâu nay. Qatar - một đồng minh quan trọng của Mỹ, nơi có trụ sở chính Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Trung Đông, có căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông với khoảng 10.000 binh sĩ.
Qatar hơn một năm nay bị phong tỏa nghiêm trọng sau khi căng thẳng ngoại giao giữa nước này với Saudi Arabia cùng sáu nước Ả Rập khác (Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Yemen, Ai Cập, Libya, Mandives) bùng phát tháng 6-2017. Qatar bị bảy nước này cắt quan hệ ngoại giao với lý do Qatar tài trợ khủng bố, cụ thể là tổ chức Anh em Hồi giáo (ở Iran), IS (ở Syria và Iraq), Al-Qaeda và có quan hệ với Iran. Qatar bị trục xuất ra khỏi liên quân Ả Rập đánh phiến quân Houthi tại Yemen. Sputnik dẫn thông tin từ một số quan chức Qatar cho biết nước này đã chi tới 16 triệu USD trong năm 2017 để vận động chính phủ Trump can thiệp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp thái tử Mohammed bin Salman đến thăm Nhà Trắng hồi tháng 3. Trong tay ông Trump là thông tin thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ với Saudi Arabia. Ảnh: GETTY IMAGES
Bắt đầu hành động
Theo lời các quan chức Mỹ nói với CNN thì Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn cấp cao Jared Kushner, con rể ông Trump, đặt niềm tin rất lớn vào thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia cho chiến lược của mình ở khu vực. Dù ông Trump và các quan chức cấp cao Mỹ từng nhận cảnh báo nhân vật hoàng gia 33 tuổi này thiếu kinh nghiệm và bốc đồng.
Tuy nhiên, việc Saudi Arabia cố che đậy rồi mãi đến khi không che đậy được nữa mới thừa nhận nhà báo Khashoggi, một thường trú nhân ở Mỹ, bị một đội sát thủ có liên hệ với thái tử Salman giết khiến ông Trump và chính phủ Mỹ cảm thấy bị xúc phạm.
Trước đây nhiều quan chức Mỹ từng lên tiếng phản đối việc Saudi Arabia và thái tử Salman chủ trương can thiệp vào chiến tranh Yemen và cầm giữ Thủ tướng Lebanon Saad Hariri năm ngoái. Dù phản đối nhưng các quan chức Mỹ vẫn thòng thêm câu Saudi Arabia là liên minh rất cần thiết của Mỹ để đối trọng với Iran ở khu vực.
Nhưng theo nguồn tin của CNN, vụ nhà báo Khashoggi bị giết và việc che đậy của Saudi Arabia đã làm chính phủ Mỹ giận dữ. Ông Trump từng tức giận với một số nhân vật hoàng gia Saudi Arabia vì đã đặt ông vào tình huống khó xử, khi buộc ông phải lựa chọn có nên đầu tư vào quan hệ với thái tử và vua Salman nữa hay không. Và ông Trump cùng các cố vấn đã thống nhất sẽ buộc Saudi Arabia ra nghị quyết về Yemen là một cách tốt để giải quyết tình huống tồi tệ này.
Các quan chức Mỹ thừa nhận cả hai vấn đề cuộc chiến ở Yemen hay căng thẳng với Qatar sẽ khó được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, theo các nguồn tin này thì chính phủ Mỹ hy vọng vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết sẽ giúp hai mục tiêu này có bước tiến triển vào cuối năm nay.
Điều này phù hợp với thông tin một nghị sĩ Mỹ nói với CNN rằng vụ nhà báo Khashoggi bị giết đã thúc giục Quốc hội vào cuộc vận động một nghị quyết chấm dứt sự liên quan của Mỹ với cuộc chiến Yemen. Các dự thảo trước đó đã không thể thông qua, tuy nhiên các dự thảo được trình vài tháng gần đây nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ cả hai đảng. Nghị sĩ Bernie Sander cho biết ông có kế hoạch đưa nghị quyết này ra bàn tại Quốc hội trong tháng 11 này.
Tròn một tháng sau khi xảy ra vụ việc, xác nhà báo Khashoggi vẫn chưa có tung tích. Theo phát ngôn từ văn phòng trưởng công tố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 31-10, xác ông đã bị phân ra và tiêu hủy ngay sau khi ông bị siết cổ chết ngay trong lãnh sự quán Saudi Arabia. Điều này cũng nằm trong kế hoạch được tính toán trước. Ngày 31-10, Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia Saud al-Mojeb về nước sau ba ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ và hai lần gặp trưởng công tố Istanbul. Saudi Arabia mời Thổ Nhĩ Kỳ sang nước mình cùng thẩm vấn 18 nghi can. |