Nổ mỏ than, 238 người chết

Ngày 14-5, văn phòng thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tổ chức quốc tang trong ba ngày kể từ ngày 13-5 để tưởng nhớ các nạn nhân trong tai nạn nổ mỏ than tại TP Soma (tỉnh Manisa).

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã hoãn chuyến công du đến Albania để đến hiện trường. Tổng thống Abdullah Gul cũng đã hủy chuyến thăm Trung Quốc để đến hiện trường.

Tai nạn xảy ra lúc 14 giờ 30 chiều 13-5 (giờ địa phương). Trong lúc 787 công nhân đang làm việc trong mỏ than, đột nhiên một tiếng nổ lớn vang lên dẫn đến hỏa hoạn trong hầm mỏ. Vụ nổ xảy ra ở độ sâu 2 km cách lối vào mỏ than 4 km.

Hãng tin AFP đưa tin ngoài số người chết tại chỗ, hàng trăm người vẫn còn bị mắc kẹt dưới lòng đất. Đây là một trong những thảm họa công nghiệp nghiêm trọng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan công tố đã mở hồ sơ điều tra hình sự.

 
Đưa thợ mỏ bị thương đi cấp cứu. Ảnh: GETTY IMAGES

Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Taner Yildiz đã đến ngay hiện trường. Ông nhận định: “Thời gian càng trôi qua, chúng tôi càng đến gần tình trạng rất đáng lo lắng… Chúng tôi đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả các biện pháp hành chính và luật pháp”.

Ông cho biết có bốn toán cứu nạn đã xuống hầm mỏ và khí ôxy đã được bơm xuống các giếng chưa xảy ra cháy. Sáng 14-5, lửa vẫn còn cháy dưới các giếng.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các hiến binh và cảnh sát đã được triển khai xung quanh hiện trường để giữ thông thoáng đường ra vào cho hàng chục xe cứu thương đưa những người bị thương đến bệnh viện. Hầu hết những người bị thương do ngạt thở.

Các công nhân mỏ cho biết đây là lần đầu tiên tai nạn xảy ra nghiêm trọng như vậy.

Các nhân chứng thuật lại vụ nổ xảy ra giống như nổ máy điện và sức nổ đã làm sụp hầm chôn vùi nhiều người. Thị trưởng thành phố Manisa Cengiz Ergun giải thích trên truyền hình nguyên nhân nổ do vấn đề về điện.

Công ty khai thác mỏ Soma Komur ra thông cáo nhận định vụ nổ mỏ than là tai nạn bi thảm, dẫn đến nhiều thương vong, tai nạn xảy ra dù các biện pháp bảo đảm an toàn và giám sát được thực hiện đến mức tối đa.

Bộ Lao động và An toàn xã hội cho biết hầm mỏ nơi xảy ra tai nạn đã được kiểm tra lần gần nhất vào ngày 17-3 và các biện pháp an toàn được thực hiện nghiêm túc.

Dù vậy, theo AFP, một thợ mỏ tên Oktay Berrin nói: “Không có bất kỳ biện pháp bảo đảm an toàn nào trong hầm mỏ này. Công đoàn chỉ là bù nhìn còn các giám đốc chỉ biết có tiền”.

Chuyên gia về công nghiệp khai thác mỏ Vedat Didari ở Đại học Bulent Ecevit (Thổ Nhĩ Kỳ) giải thích nguy cơ chính đối với các công nhân mỏ bị mắc kẹt là thiếu khí ôxy. Nếu các quạt gió cung cấp khí ôxy bị hỏng thì thợ mỏ có thể chết trong một giờ.

Các vụ nổ trong hầm mỏ thường xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong các hầm mỏ tư nhân. Nguyên nhân thường do các điều kiện an toàn không được tôn trọng. Tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra hồi năm 1992. 263 thợ mỏ thiệt mạng trong vụ nổ khí trong hầm mỏ ở Zonguldak.

DẠ THẢO

Tại Hàn Quốc ngày 14-5, tức ngày thứ 29 của thảm kịch phà Sewol chìm, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục mặc dù có nguy cơ một số bộ phận của chiếc phà sẽ sập xuống. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin trong 476 người đi trên phà có 281 người chết, 23 người còn mất tích, 172 người được cứu. Trong 339 học sinh và giáo viên trường trung học Danwon đi trên phà còn 21 người mất tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm