Cuối tháng 2-2016, PS - một bạn trẻ ở Tây Ninh lên Facebook cho biết nếu xin đủ 5.000 like sẽ… cởi truồng đi dạo phố. Chỉ sau hai ngày, S. gom được hơn 9.200 like. S. đã xuống đường với chiếc quần lót và tuyên bố “Việt Nam nói là làm”.
Câu slogan phản cảm này đã lan đi khá nhanh. Thời điểm đó, Facebook của S. thu hút khá nhiều người vào bình luận và chia sẻ.
Đua nhau làm chuyện kỳ cục
S. không phải là người đầu tiên ở Tây Ninh hưởng ứng trào lưu quái dị này. Trước đó một tuần, hai thanh niên khác cũng tuyên bố đủ 1.000 like sẽ cởi truồng ra đường kéo theo nhiều người khác rần rần đi cổ vũ.
Sau khi các bài và hình ảnh phản cảm này được gỡ khỏi Facebook, nhiều bạn trẻ ở các tỉnh, thành khác “hưởng ứng” mạnh hơn bằng cách quay video đưa lên youtube và mạng xã hội. Một thanh niên ở Đà Lạt tuyên bố có đủ 400 like sẽ cởi quần đi vòng quanh siêu thị. Hình ảnh phản cảm mặc quần bơi đi dạo phố của anh chàng này đã được bạn bè quay lại đưa lên mạng.
Có lẽ méo mó nhất là clip của một bạn trẻ tên NT ở TP.HCM. Tuyên bố “nói là làm”, T. không mặc quần, chỉ che trước sau bằng một tờ báo rồi đứng lên yên xe để bạn chở đi diễu phố. Không chỉ dừng lại ở đó, T. còn mặc váy giả gái uốn éo múa cột điện để bạn bè quay lại rồi tung clip lên mạng.
Một số hình ảnh phản cảm của phong trào “Việt Nam nói là làm”.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương bày tỏ suy nghĩ của mình với cô giáo về phong trào “Việt Nam nói là làm”.
Không thể nói cởi là cởi
Được cổ vũ bởi cơn bão like và share nhưng chính số người này cũng bị nhiều bạn trẻ vào Facebook cá nhân để nhắc nhở hoặc phản bác. Lý Minh Trang (huyện Hòa Thành, Tây Ninh) nói: “Mấy bạn này làm xấu mặt người dân quê mình quá!”.
Cô giáo Nguyễn Thị Luyến (Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) đăng Facebook hỏi học sinh của mình nghĩ sao về kiểu “chơi nổi” này. Nhật Vy lớp 12A11 bày tỏ: “Theo tôi thì các bạn này sống quá ảo, chưa ý thức cũng như suy nghĩ về cái mình làm. Không thể nói cởi là cởi chỉ để thỏa mãn cái tôi và chứng minh cho mọi người thấy ta đây chịu chơi. Việc làm này không những tạo cho người khác những cách nhìn không tốt về bản thân mình mà còn liên lụy tới tập thể, gia đình”. Thu Trang, học sinh lớp 11A25 bức xúc: “Những hành động này chứng tỏ bạn rất thiếu văn hóa. Hổ thẹn thay cho bạn!”.
Cô giáo Lê Thị Huệ (chủ nhiệm lớp 9/2 Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM) đã cho học sinh lớp mình làm một bài luận thể hiện góc nhìn về hiện trạng này. Học sinh Đồng Hà Nhuận viết: “Thay vì tìm cách câu like sống ảo ngày đêm, các bạn trẻ hãy tìm cho mình một mục tiêu thật sự để sống và làm chủ cuộc sống của mình”. Em Đinh Cao Bích Ngọc bày tỏ: “Những người bấm like cũng là những người cực kỳ vô cảm, chỉ vì tính hiếu kỳ mà tiếp tay cho những trò lố lăng”. Học sinh Thu An cũng ở Trường Colette bày tỏ suy nghĩ rất người lớn: “Cũng vì có một số phụ huynh không để ý đến con em mình nên họ mới hành động liều lĩnh như vậy. Mong rằng các bạn ấy sẽ được khuyên nhủ và hiểu đúng giá trị thật của câu “nói được làm được””.
Chiến tích ảo đáng buồn
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cho rằng hành động méo mó trên bắt nguồn từ tâm lý đám đông của giới trẻ. Về tâm sinh lý, giới trẻ có nhu cầu khẳng định cái tôi của mình rất lớn nên khi được hàng ngàn lượt like, họ dễ xem đó là một chiến tích rồi “làm tới luôn” mà không nghĩ tới hậu quả. Cũng có nhiều bạn trẻ thấy một số người nổi tiếng kiểu “bà” Tưng hay Kenny Sang, không cần tài năng hay lao động sáng tạo gì cả, chỉ cần gây sốc là nổi tiếng. Nên nhiều bạn nghĩ rằng cũng có thể nổi tiếng bằng cách đó.
“Những hành vi lệch chuẩn kiểu này không thể điều chỉnh bằng luật nhưng có thể điều chỉnh bằng chính sự quan tâm của gia đình và nhà trường. Các bậc cha mẹ đừng bỏ mặc con cái ở lứa tuổi mới lớn mà hãy làm bạn với con, nắm bắt tâm lý của con để có sự tác động và giáo dục phù hợp. Nếu không, những đứa trẻ sẽ “bứt” khỏi sự ảnh hưởng của cha mẹ để ngả theo những giá trị lệch chuẩn” - ông Bình nhấn mạnh.
Hãy nghĩ tới hậu quả Có nhiều bạn trẻ sau khi làm những chuyện điên rồ rồi bị tung clip lên mạng đã làm cho gia đình rất buồn phiền. Sau đó, họ muốn lấy lại những hình ảnh không đẹp này thì không kịp nữa bởi nó đã bị phát tán. Có những người đã mất cơ hội về việc làm, bị nhiều người định kiến vì những hình ảnh xấu từ quá khứ. Tôi mong các bạn cân nhắc và nghĩ xa hơn. Hãy có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình, xã hội. ThS tâm lý HUỲNH ANH BÌNH, Giám đốc “Việt Nam nói là làm” là một câu slogan hay. Tôi ủng hộ phương châm này nếu các bạn trẻ đưa ra những mục đích tốt rồi giữ chữ tín và làm cho bằng được. Ths Huỳnh Anh Bình |