Hôm 19-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định với báo chí Vương quốc Anh có thể “xoay chuyển tình thế” trong vòng 12 tuần. “Chúng ta sẽ đánh bại virus Corona” - ông Johnson tuyên bố. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây, nhất là sau khi ông Boris dương tính COVID-19, lại cho thấy một bức tranh khá u ám về Vương quốc Anh.
Những người theo trường phái lạc quan kiểu phương Tây cho rằng việc nhiễm COVID-19, ngay cả như Thủ tướng Anh, cũng là chuyện… bình thường. Ngay như ông Boris, thay vì điều trị tại bệnh viện, thông báo tự cách ly và làm việc tại nhà của người đứng đầu chính phủ Anh cũng chuyển đi thông điệp “người dân Anh hãy an tâm, mọi chuyện đều ổn”.
Phải thừa nhận một thực tế rằng các ca nhiễm COVID-19 ở người trẻ, người không có bệnh nền sẽ có tỉ lệ tử vong không cao. Thậm chí, một hệ thống y tế tiên tiến vẫn có thể kéo giảm tối đa khả năng tử vong của bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi. Đó là lý do nhiều người đặt niềm tin vào nước Anh nói riêng và nhiều nước châu Âu nói chung, vốn mệnh danh là thế giới văn minh, trong cuộc chiến chống dịch.
Đáng tiếc, tất cả cho đến lúc này đều chỉ là lý thuyết!
Số ca nhiễm, đặc biệt là số ca tử vong tại Anh và châu Âu, thậm chí tại Mỹ, không ủng hộ sự lạc quan của họ. Tổng số ca nhiễm và tử vong ở châu Âu đang cao nhất thế giới, vượt xa Trung Quốc. Riêng số người chết tại lục địa già này đã trên 15.000 người.
Tại Anh, tính đến tối 27-3 (giờ Việt Nam), đã có trên 11.600 ca nhiễm. Có gần 600 ca tử vong vì COVID-19 trong khi số người được chữa khỏi mới chỉ khoảng 1/3. Các dự báo của giới chuyên gia cho thấy số ca nhiễm lẫn tử vong tại Anh có thể tăng mạnh hơn trong thời gian 2-3 tuần tới. Các bác sĩ và lãnh đạo các bệnh viện ở Anh mô tả diễn biến của dịch bệnh tại London giống như một trận sóng thần trong khi cả nước Anh phải chuẩn bị cho đỉnh dịch sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Như vậy, vấn đề của Anh không còn là chuyện tỉ lệ tử vong thấp hay phần đông người nhiễm sẽ không sao, mà là gánh nặng không thể ngờ đặt lên hệ thống y tế của Anh. Rõ ràng nhất là sự khan hiếm máy thở, trang thiết bị bảo hộ, năng lực xét nghiệm toàn dân... đang là những thách thức lớn mà Anh chưa có lời giải.
Thông tin thủ tướng Anh, trước đó là quan chức cấp cao của một số nước khác, dương tính với COVID-19 khiến lời trấn an theo kiểu “hãy sống bình thường, hãy sinh hoạt bình thường” trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Lý thuyết miễn dịch cộng đồng - để dân tự nhiễm để tạo miễn dịch - mà một số quan chức Anh từng dùng đến trấn an dư luận đến nay không còn nhiều người tin cậy. Chính Anh vàchâu Âu cũng bắt đầu đóng cửa, phong tỏa, cách ly.
Việc lúng túng trong chọn lựa chính sách ưu tiên kinh tế hay ưu tiên chống dịch của Anh và nhiều nước châu Âu khiến số ca tử vong tăng ngoài ý muốn. Thực tế, nó càng khẳng định việc phòng chống dịch, đặc biệt đối với các loại virus mới như COVID-19, có thể dựa trên những phương án khác nhau dựa vào đặc thù của từng quốc gia; nhưng việc chủ quan khiến tình trạng quá tải y tế xảy ra, như Anh và vài nước châu Âu gặp phải, là lựa chọn sai lầm.